Để giảm áp lực lên tài khóa, một trong những đề xuất tại tham luận của Ban Kinh tế Trung ương gửi tới “Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra mới đây là nghiên cứu tăng đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người giàu để chia sẻ với người nghèo trong thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất trên không hợp lý.
Không hợp lý
Góp ý kiến về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đề xuất tăng đánh thuế TNCN của người giàu để chia sẻ với người nghèo mới nghe có vẻ nhân văn nhưng xem xét kỹ thì thấy không ổn, không phù hợp thực tế. Lý do là quy định về thuế TNCN đã rõ ràng, mức thuế cao nhất cũng đã lên tới 35%. Nghĩa là thu nhập càng cao thì chịu mức thuế càng cao.
Dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Việt Nam cần phải học các nước trên thế giới về quy định tính thuế TNCN, không phải cứ thấy người giàu, có thu nhập cao thì đánh thuế càng cao. Như ở Mỹ, một cá nhân có thu nhập 500.000 USD/năm có thể phải chịu mức thuế 37%-45% thuế TNCN. Nhưng thu nhập lên tới hơn 1 triệu USD thì cá nhân đó lại được giảm mức thuế thấp hơn, và càng cao hơn nữa thì mức thuế giảm dần” - ông Thịnh dẫn chứng.
Sở dĩ họ đưa ra quy định trên, theo ông Thịnh, là chỉ một số ít người có thu nhập rất cao nên cần phải có chính sách giảm thuế, thậm chí có mức thuế thấp cho họ. Như vậy, nhà nước mới khuyến khích được người tài giỏi xuất chúng đóng góp cho xã hội, tạo động lực cho họ làm việc, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, tạo nhiều việc làm hơn.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, chuyên gia tư vấn thuế, đánh giá hiện nay mức thu nhập chịu thuế TNCN vẫn thấp trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang. Hơn nữa, cá nhân vẫn chưa được khấu trừ những chi phí hợp lý liên quan đến tiêu dùng, học tập, sinh hoạt… Vì vậy, đề xuất tăng đánh thuế TNCN của người giàu để chia sẻ với người nghèo là không khả thi, không thực tế, nhất là trong bối cảnh dịch tác động đến thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội.
Vị chuyên gia này phân tích thêm: Bậc thuế trong biểu thuế TNCN còn bất hợp lý khi mức thuế nộp giữa các bậc trên rất cao, trong đó bậc thuế cao nhất có thuế suất lên tới 35%. Hơn nữa, mức giảm trừ gia cảnh cũng chưa ổn. Vào năm 2009, khi ban hành chính sách thuế TNCN, mức khởi điểm khấu trừ gia cảnh là 4 triệu đồng và chỉ bốn năm sau, đến năm 2013, mức này đã được nâng lên 9 triệu đồng, tương ứng tăng 125%. Thế nhưng, mức khởi điểm này đến năm 2020 chỉ được điều chỉnh lên 11 triệu đồng là chưa hợp lý. Vì vậy nên nâng mức khởi điểm chiết trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 20 triệu đồng để đảm bảo đời sống của người dân.
“Đó là chưa kể thuế TNCN áp dụng lũy tiến với năm bậc là quá dày. Vì vậy, Nhà nước cần sớm xem xét, có chính sách giảm một phần thuế TNCN, tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm bậc thuế hiện nay xuống thấp hơn như thu gọn lại chỉ còn bốn bậc là 5%, 10%, 20% và 30%” - ông Xoa góp ý.
Nên giảm thuế chứ không nên tăng
Theo Tổng cục Thuế, riêng 11 tháng đầu năm 2021, tổng số thu từ thuế TNCN tăng 7,7% so với dự toán, ước tính đạt 120.000 tỉ đồng. Chuyên gia thuế Trần Xoa nhìn nhận cuộc sống của nhà kinh doanh, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Nhiều người thu nhập giảm, mất việc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, riêng trong quý III-2021, số người thiếu việc làm là hơn 1,8 triệu người, tăng 700.000 người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, số thu từ thuế TNCN tăng trong bối cảnh này thì rất nghịch lý.
Phân tích thêm về cơ cấu đóng thuế TNCN, ông Xoa cho hay tỉ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn, hơn 70%. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh nhưng nếu tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều. Thuế TNCN vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương.
“Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh” - ông Xoa nhấn mạnh.
Đồng tình với ông Xoa, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng đã có chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì cá nhân cũng cần được giảm. Hơn nữa, theo ông Nghĩa, cần nghiên cứu, xem xét Luật Thuế TNCN theo hướng chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan tới thu nhập tính thuế.
Cụ thể, các chi phí cần được khấu trừ khi tính thuế TNCN như tiền thuê nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo; tiền đào tạo nghiệp vụ của bản thân và tiền học của con cái; tiền lãi vay mua nhà ở duy nhất và một phương tiện đi lại; viện phí và chi phí chữa bệnh hiểm nghèo đối với bản thân, vợ/chồng và người phụ thuộc.
Bởi thực tế đã chỉ ra thất thoát trong việc thu thuế một phần do thiếu kiểm soát về nguồn thu, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh online. Do đó, việc tăng thuế sẽ không hiệu quả bằng việc kiểm soát nguồn thu hợp lý.•
Cần nhân văn Anh Trần Minh Tuấn (ngụ quận 3, TP.HCM) cho hay dịch bệnh kéo dài suốt hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và nhiều người trong gia đình mất việc làm. Một mình anh thuộc diện thu nhập cao nhưng phải gánh chi tiêu mọi thứ cho cả gia đình, thế nhưng vẫn bị khấu trừ thuế TNCN. “Nếu không giảm được thì thôi chứ đừng tăng thuế lúc này. Chính sách thuế cần nhân văn” - anh Tuấn bày tỏ. Thu thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một loạt địa phương phải giãn cách xã hội thời gian dài, khiến đời sống người dân, doanh nghiệp vô cùng khó khăn nhưng thu thuế TNCN vẫn tăng cao. Cụ thể, theo Tổng cục Thuế, tổng số thu từ thuế TNCN cả năm 2021 ước tính đạt 114% so với dự toán, tăng khoảng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy gánh nặng thuế TNCN vẫn lớn với người dân, người lao động. Còn theo Cục Thuế TP.HCM, năm 2021, số thuế TNCN ước tính thu hơn 43.000 tỉ đồng, tăng 7,8% dự toán và tăng 6,2% so với năm 2020. Số thu thuế TNCN chiếm gần 18% thu thuế nội địa, trừ dầu thô. Tổng số thu nội địa trên địa bàn đạt hơn 268.000 tỉ đồng, tăng gần 3% so với dự toán. |