Nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Như vậy, so với ngày 2-1, nước ta đã ghi nhận thêm 4 ca nhập cảnh mới nhiễm Omicron, tại 3 tỉnh thành Hải Dương, Hải Phòng và Thanh Hóa.
Trong đó ca mắc tại Hải Dương là nữ công nhân mới đi lao động xuất khẩu tại Ukraine về nước hôm 21-12, đã tiêm 2 mũi vắc xin.
Biểu hiện bệnh có ho kèm khản tiếng, không sốt, không đau họng, không khó thở, hiện bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính và đã được về nhà theo dõi sức khỏe.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Lùi thời điểm thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế
Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn 9662/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao - đồng ý điều chỉnh lùi thời điểm thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế tới ngày 1-7-2022.
Bộ Y tế tiếp tục sử dụng lượng thuốc chống lao được mua từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 để bảo đảm cung cấp thuốc lao cho các nhóm đối tượng:
- Người bệnh lao phát hiện trên toàn quốc được đề xuất sử dụng thuốc chống lao tới hết tháng 6-2022;
- Người bệnh lao không có thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh lao điều trị tại các cơ sở y tế chưa đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế được sử dụng thuốc chống lao tới hết 31-12-2022.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bổ sung kinh phí mua thuốc lao để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM (phường 4, quận Gò Vấp) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cả nước có trên 6.650 bệnh nhân COVID-19 nặng
Tính từ đầu mùa dịch đến 17h chiều 3-1, Việt Nam ghi nhận trên 1,78 triệu ca COVID-19. Trong số này có trên 1,41 triệu ca (79%) đã khỏi, 33.173 người (1,9%) đã tử vong.
Trong số người đang theo dõi, điều trị, có 216.034 người theo dõi điều trị tại nhà, 121.053 người điều trị tại bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện có trên 6.650 ca nặng.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ghi nhận ngày 3-1 giảm 23,4%, số ca tử vong giảm 11,4%, số ca nặng giảm 6,9%.
So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới tăng 0,2%, số ca tử vong giảm 3,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 7,8%.
Hiện các địa phương đang có nhiều ca nặng gồm TP.HCM 1.836 ca, An Giang 415 ca, Cần Thơ 410 ca, Bến Tre 378 ca, Hà Nội 363 ca, Đồng Nai 353 ca, Long An 352 ca, Tiền Giang 314 ca, Vĩnh Long 304, Bình Dương 292 ca.
Đáng chú ý, số bệnh nhân COVID-19 tử vong ngày 3-1 đã giảm về dưới 200 ca/ngày, là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12-2021 đến nay.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 3-1 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.106 ca COVID-19 mới, trong đó có 366 ca tại cộng đồng; 1.454 ca tại khu cách ly và 286 ca tại khu phong tỏa. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (218); Thanh Xuân (148); Thanh Trì (130); Đống Đa (128); Nam Từ Liêm (125).
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 54.831 ca, trong đó số ca cộng đồng 17.944 ca, số ca đã được cách ly 36.887 ca. Hà Nội đang theo dõi, điều trị cho hơn 31.000 F0, trong đó có hơn 21.000 ca nhẹ và không triệu chứng được điều trị tại nhà.
- Bắc Ninh từ 6h ngày 2-1 đến 6h ngày 3-1, tỉnh ghi nhận 533 ca COVID-19; trong đó có 403 ca tại cộng đồng, 130 ca ở khu cách ly, phong tỏa, xâm nhập, nhập cảnh. Đây là ngày tỉnh Bắc Ninh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn.
Huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất tỉnh với cùng 166 ca; thành phố Bắc Ninh 101 ca... Toàn tỉnh có 301 ổ dịch tại 8/8 huyện, thành phố.
- Từ 6h ngày 2-1 đến 6h ngày 3-1, Quảng Bình ghi nhận thêm 40 ca COVID-19 tại cộng đồng, trong đó 26 ca liên quan đến chùm ca bệnh Quảng Phú (Quảng Trạch); trong ngày có 62 ca xuất viện. Tổng số người về từ vùng dịch dương tính là 631 ca.
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.893; số ca điều trị khỏi là 3.426, còn 208 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 212 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà. Hiện 95,61% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1; mũi 2 là gần 89,91%.
- Bình Dương trong ngày 2-1 có 145 ca COVID-19 mới. Tích lũy trong đợt dịch lần thứ 4 toàn tỉnh ghi nhận 290.921 ca COVID-19. Cấp độ dịch có 1 phường duy nhất trong tỉnh thuộc cấp độ dịch 3 là phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một.
- Trà Vinh tính đến sáng 3-1, toàn tỉnh ghi nhận 22.653 ca COVID-19. Đến nay, trong số gần 13.000 ca F0 của tỉnh đang điều trị, có gần 10.000 ca đang được điều trị tại nhà. Tuần gần đây (từ ngày 24 đến 30-12), tỉnh ghi nhận 29 ca tử vong, tăng 9 ca so với tuần trước đó; trong số này, người trên 50 tuổi chiếm gần 90%.
Tính đến sáng 3-1, tỉ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên của Trà Vinh đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 95%; trên 83.600 trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 đã được tiêm mũi 1, trong đó 78.275 em đã được tiêm mũi 2.
TTO - Báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết 975 bệnh viện cả nước đang điều trị gần 6.400 ca COVID-19 nặng, trong đó có 948 ca phải thở oxy, thở máy.