vĐồng tin tức tài chính 365

“Gạo thuốc” chinh phục thị trường trong, ngoài nước

2022-01-04 12:41

Từ chỗ sản xuất lúa “ngắn ngày” để đáp ứng nhu cầu “ăn no mặc ấm”, cũng như nhiều người, một anh nông dân ở Vĩnh Long chuyển sang sản xuất gạo thơm cho nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp”, rồi gạo hữu cơ bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Tiến thêm 1 bước, anh đã sản xuất ra “gạo thuốc” giúp người ăn chữa được bệnh, sản phẩm đang chinh phục những thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Lớp dạy trực tuyến từ bên… Úc

Hẹn qua điện thoại gặp ông Đoàn Văn Tài - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (gọi tắt HTX Tấn Đạt, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) - nghe ông than “bận quá”, tôi cứ nghĩ ông bận chuyện “chăn nuôi trồng trọt” ngoài đồng hoặc chuyện “cơm áo gạo tiền” cho xã viên. Nhưng thật bất ngờ khi ông Tài cho biết, ông bận tham dự 1 lớp học (học trực tuyến) về sản xuất “sạch” mà người giảng là những chuyên gia ở tận bên nước Úc xa xôi. Thú vị và tò mò, tôi càng quyết tâm đến tận xã Trung Ngãi xa xôi để thăm ông Tài và HTX của ông.

Ông Tài cho biết, lớp học do 1 doanh nghiệp bên Úc đứng ra tổ chức từ đầu tháng 11.2021, kéo dài 36 tuần, mỗi tuần học 4 buổi. Lớp học như là diễn đàn kết nối cung cầu Việt Úc, giúp đào tạo, tập huấn cách thức làm nông nghiệp hữu cơ - kết nối chia sẻ, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp “sạch” vào thị trường Úc. Tấn Đạt là 1 trong số hơn 10 HTX trên cả nước tham gia lớp học này.

“Chương trình lớp học có thể gây nhàm chán cho những ai ít quan tâm, nhất là lại học trực tuyến. Nhưng với tôi, nội dung lớp học rất thú vị vì nó cung cấp những điều mà tôi và HTX Tấn Đạt đang cần”, vừa chuẩn bị cho giờ học trực tuyến, ông Tài vừa chia sẻ. Không chỉ truyền thụ các kiến thức về sản xuất nông nghiệp “sạch”, các giảng viên còn thị phạm các vấn đề cụ thể của học viên (HTX của họ) để bàn luận, giải quyết. Nhờ đó mà qua từng tiết học, ông Tài ứng dụng ngay vào hoạt động của HTX Tấn Đạt.

Ông được truyền đạt có hệ thống về các yêu cầu để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và cách trình bày HTX mình trước đối tác nước ngoài. Ông Tài cho biết, ban đầu tưởng khó, nhưng thật ra mọi chuyện dễ hơn ông nghĩ. Chỉ cần có cái điện thoại thông minh hay laptop là có thể kết nối được với đối tác trên khắp thế giới. Nhờ vậy mà ông và các cộng sự vẫn ở nhà lo chuyện lúa gạo nhưng vẫn kết nối làm ăn được với các đối tác xa xôi.

Ông Tài hào hứng kể về 1 chuyện cụ thể thu hoạch ngay tại lớp học, đó là người nuôi cá hữu cơ cần tấm/cám hữu cơ nhưng phải nhập khẩu giá cao, trong khi người sản xuất lúa hữu cơ lại bán tấm/cám hữu cơ chưa đúng chỗ, như tấm/cám thường, giá không cao. Lớp học đã trở thành nơi cho 2 “người” gặp nhau, giúp mỗi người trong chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh... đều có lợi. Nhờ đó đã giúp tấm/cám hữu cơ của HTX Tấn Đạt đến đúng nơi cần đến, nâng cao được giá trị, còn người nuôi cá tra hữu cơ có nguồn thức ăn đúng chuẩn với giá thấp hơn nhiều so với nhập khẩu.

Nghề dược tưởng bỏ đi lại hữu dụng

Vốn học ngành dược, về công tác tại Bệnh viện Trà Vinh, do cuộc sống công viên chức giai đoạn ấy quá khó khăn, năm 1991 ông Tài xin nghỉ về quê nhà sống nghề làm ruộng. Gia đình đông anh em, cha mẹ chỉ chia được cho mỗi người vài ba công ruộng (công = 1.000m2). Vốn mê máy móc, ông Tài vừa canh tác mấy công ruộng vừa mày mò sửa các loại máy nông nghiệp. Nhờ chí thú làm ăn, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, ông làm ruộng đạt năng suất cao, sửa máy móc có uy tín… “Tích tiểu thành đại”, ông mua thêm mỗi lần 1 ít, đến năm 2011 ông Tài đã có trong tay 3ha ruộng.

Chỉ đám ruộng lúa xanh mượt đang “thì con gái”, ông Tài nói: “Năm 2011, do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thời tiết thay đổi thất thường, nên sâu bệnh phát sinh nhiều, đã tấn công đám lúa. Tôi và bà con chỉ còn biết mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) về xịt, rồi bón thêm nhiều phân, tốn rất nhiều chi phí, dù biết rằng môi trường đất bị tồn dư hóa chất độc hại, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe về sau”. Từ lúc đó, ông Tài đã suy nghĩ làm sao để khắc phục được tình trạng phun, xịt thuốc vô tội vạ để tạo ra sản phẩm gạo an toàn, không có dư lượng thuốc BVTV. 

Có người bà con đi xuất khẩu lao động chuyên ngành trồng trọt bên Nhật về kể chuyện sản xuất nông nghiệp “sạch” bên ấy, ông Tài suy nghĩ sao mình không làm được như họ. Bằng kiến thức ngành dược đã có, ông lên Internet tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là những kinh nghiệm bên nước Nhật. Rồi ông cất công đi nhiều địa phương, ra tận miền Trung để học hỏi những mô hình trồng lúa hữu cơ về áp dụng trên đất ruộng nhà mình.

“Vạn sự khởi đầu nan!”, ông đã nhiều lần thất bại do dịch bệnh tấn công mạnh đám lúa, mà ông lại kiên quyết không sử dụng thuốc BVTV. Rồi ông tìm đến các nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL, các Trường Đại học… để nhờ hỗ trợ. Và kết quả đã không phụ lòng người đi tiên phong trồng lúa hữu cơ ở Vĩnh Long.

Ban đầu, ông chỉ thử nghiệm trồng lúa hữu cơ trên 1.000m2,  sau đó mở rộng diện tích lên 2.000m2, rồi lên 1ha, cuối cùng là cả 3ha đất nhà. Ông Tài mời những người dân trong vùng đến tham quan quy trình trồng lúa hữu cơ hiệu quả của mình và vận động họ cùng làm theo, dẫn đến việc thành lập Tổ hợp tác gồm 7 thành viên, với trên 6,5ha ruộng. Cứ thế, bằng hiệu quả “nhãn tiền”, quy trình sản xuất “sạch” của ông Tài đã nhanh chóng được mở rộng.

Từ gạo hữu cơ đến... “gạo thuốc”

Đến tháng 9.2017, Tổ hợp tác của ông Tài phát triển thành HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt gồm 15 thành viên, với trên 11,5ha sản xuất lúa thơm. Năm 2019, HTX nâng lên 65 thành viên, diện tích 100ha, khép kín sản xuất hoàn toàn bằng quy trình hữu cơ sinh học.

Hiện ông Tài đang vận động thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo Vĩnh Long với diện tích 500ha, trên tổng số 1.000ha sản xuất hữu cơ sinh học theo kế hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Long.

Ông kể say sưa về sản xuất hưu cơ sinh học, bởi nó cho ra gạo cấp cao bán được giá cao, thu nhiều lợi nhuận cho người trồng. Trong khi gạo thường có giá 15.000-20.000 đồng/kg thì hiện gạo hữu cơ lúa thơm của Tấn Đạt được bán trên 30.000 đồng/kg, riêng gạo tím thảo dược Tấn Đạt có mức giá lên đến 60.000 đồng/kg. Do nhu cầu cao nên gạo của HTX thường không đủ để đáp ứng các đơn hàng.

Nói về HTX Tấn Đạt, những người trong nghề nghĩ ngay đến sản phẩm gạo tím thảo dược. Về nguồn gốc loại gạo này, ông Tài cho biết, trước đây khi tìm hiểu về cách trồng lúa hữu cơ, ông có dịp ra Nghệ An và phát hiện loại lúa tím độc đáo này nên đem giống về trồng. Qua nhiều năm chọn tạo, loại lúa này tỏ ra thích nghi với ruộng đất Vĩnh Long và cho ra đời giống lúa tím thảo dược Tấn Đạt.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, gạo thảo dược Tấn Đạt có chứa chất Omega 3-6-9 cùng nhiều chất khác có lợi cho sức khỏe người dùng. “Gạo thuốc” của HTX Tấn Đạt đang được bán trên các sàn thương mại điện tử shopee.vn, sendo.vn, voso.vn,… cung cấp cho thị trường trong và ngoài.

Ngoài gạo thảo dược, HTX của ông Tài còn chế biến các sản phẩm sau gạo đang được thị trường rất ưa chuộng như: Trà gạo lức thảo dược, bột dinh dưỡng gạo thảo dược, sữa chua gạo thảo dược…

Nhóm sản phẩm của HTX Tấn Đạt đã được UBND tỉnh Vĩnh Long chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2019. Hiện tỉnh Vĩnh Long chưa có sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Cuối năm 2019, gạo tím thảo dược Tấn Đạt còn đạt giải trong hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt” trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần IV.

Với những nỗ lực và thành công trên, ông Đoàn Văn Tài đã nhiều lần được UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Bằng khen đạt thành tích dân vận khéo, thành tích tốt trong phát triển kinh tế tập thể, thành tích xuất sắc 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp,… Ông Tài còn được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”.

Xem thêm: odl.603199-coun-iaogn-gnort-gnourt-iht-cuhp-hnihc-couht-oag/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

““Gạo thuốc” chinh phục thị trường trong, ngoài nước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools