Tọa độ vàng giao thương
Tân Uyên nằm liền kề ba thành phố năng động của Bình Dương là Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, đồng thời là trung tâm kết nối liên vùng xuyên suốt từ Tây Nguyên và vùng sản xuất công nghiệp chủ lực của Bình Dương xuống TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vị trí này biến Tân Uyên thành một đầu mối giao thông lớn và là trung tâm giao thương, trung chuyển hàng hóa, cung cấp dịch vụ sầm uất. Nhiều doanh nghiệp lớn đều đang đặt nhà máy sản xuất tại đây bởi khả năng vận chuyển hàng hóa rất nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây là nền tảng giúp thị trường bất động sản Tân Uyên phát triển bền vững.
Hạ tầng được đầu tư lớn
Một loạt dự án hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la Mỹ đang được xúc tiến đầu tư tại Tân Uyên nhằm khai mở hết tiềm năng phát triển của vùng đất này. Theo đó, bên cạnh các tuyến giao thông đối nội, Tân Uyên đang đón nhận một loạt công trình lớn giúp gia tăng khả năng kết nối liên vùng như đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên, Vành đai 4, đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo… Mới đây, cầu Bạch Đằng 2 cũng đã được khởi công nhằm mở ra thêm một tuyến giao thông chiến lược kết nối Tân Uyên với Đồng Nai. Ngoài ra, Tân Uyên còn sở hữu mạng lưới giao thông đa kết nối như ĐT742, ĐT743, ĐT747B, ĐT746… Hệ thống hạ tầng này sẽ là "chất xúc tác" giúp bất động sản Tân Uyên gia tăng giá trị.
Khu vực trung tâm thị xã Tân Uyên đang phát triển nhộn nhịp và được đầu tư lớn để chuẩn bị trở thành thành phố.
Tân Uyên lên thành phố
Tân Uyên đang là "ứng cử viên" trở thành thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương vào năm 2023. Khi đó, bên cạnh việc được đầu tư, nâng cấp toàn diện về hạ tầng, kinh tế - xã hội, mặt bằng giá bất động sản của Tân Uyên sẽ chạm một mốc mới. Điều này tương tự Thuận An và Dĩ An trước đây giá đất đã tăng gấp đôi sau khi từ thị xã chuyển thành thành phố. Bên cạnh đó, việc chuyển thành thành phố cũng là điểm tựa quan trọng cho thị trường bất động sản Tân Uyên bật tăng. Theo Báo cáo Kế hoạch phát triển nhà ở Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ dành ra 1.600ha đất cho các dự án; tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 130.000 tỷ đồng. Trong đó, thị xã Tân Uyên đứng đầu khi cần đến diện tích lên đến 274 ha, vốn đầu tư 22.179 tỷ đồng, để phát triển các khu dân cư mới và nâng cấp diện mạo đô thị. Nắm bắt cơ hội, nhiều nhà đầu tư đang tập trung rót vốn vào thị trường này với kỳ vọng sẽ đạt được biên độ lợi nhuận tốt nhất.
Công nghiệp phát triển thần tốc
Tân Uyên đang là "trái tim" sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương với nhiều khu công nghiệp lớn đã lấp đầy như Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, VSIP 2, Đất Cuốc, Uyên Hưng… Tính đến nay, Tân Uyên đã thu hút được 4 tỷ USD vốn FDI so với con số 37 tỷ USD mà tỉnh Bình Dương đạt được. Sắp tới KCN VSIP 3 quy mô 1.000ha sẽ đi vào hoạt động càng làm cho Tân Uyên thêm sôi động. Theo quy hoạch, phần lớn diện tích tự nhiên của Tân Uyên dành cho công nghiệp và thương mại – dịch vụ; đan xen là một số khu đô thị mới đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia, người lao động. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư đón đầu mua bất động sản để chờ tăng giá hoặc khai thác kinh doanh, cho thuê… bởi nhu cầu sẽ tăng rất mạnh.
Hệ thống hạ tầng của Tân Uyên đang được đầu tư hiện đại, trở thành một đầu mối giao thông lớn của khu vực phía Nam, mang đến lợi thế cho lĩnh vực bất động sản.
Dân số và nhu cầu nhà ở tăng nhanh
Dân số hiện nay của Tân Uyên đạt mức 416.408 người, tương đương thành phố Dĩ An với 491.051 người và vượt xa thành phố Thủ Dầu Một với 341.830 người. Đất lành chim đậu, mỗi năm Tân Uyên còn đón số lượng dân nhập cư khoảng 10-15% đến làm việc, sinh sống. Điều này gây áp lực lớn cho lĩnh vực phát triển nhà ở tại Tân Uyên, khiến bất động sản không ngừng tăng giá vì thiếu hụt nguồn cung. Mặt khác, khi mật độ dân số tăng cao, Tân Uyên cũng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục… giúp bất động sản gia tăng giá trị rất nhanh chóng.
Giá bất động sản chưa tương xứng tiềm năng
Tại các đô thị công nghiệp, các thành phố trực thuộc tỉnh giá bất động sản đang tăng nhanh theo xu hướng chung của thị trường. Riêng Tân Uyên, dù giá cũng tăng với biên độ khá tốt trong thời gian vừa qua nhưng các chuyên gia vẫn đánh giá mức tăng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Bởi Tân Uyên đang sở hữu nhiều lợi thế nhưng mặt bằng giá bất động sản ở các khu trung tâm, xung quanh các khu công nghiệp chỉ mới ở ngưỡng 17-25 triệu đồng/m2, chỉ bằng khoảng một nửa so với ba thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An trong khi vị trí liền kề. Như vậy, các nhà đầu tư "xuống tiền" thời điểm này sẽ có cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận trong thời gian ngắn sắp tới, khi hạ tầng Tân Uyên được đầu tư hoàn chỉnh và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.75053310140102202-tuh-cus-gnat-neyu-nat-nas-gnod-tab-puig-ot-uey-6/nv.zibefac