Năm 2021, đa phần các nhà đầu tư đều thắng lợi
Năm 2021 là một năm khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, nên kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng dương, trong đó thị trường chứng khoán có 1 năm thành công với nhiều cột mốc lịch sử mới.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt 120% GDP, thanh khoản trung bình đạt hơn 1 tỷ USD mỗi phiên, số lượng tài khoản mở mới liên tục gia tăng. Trên thị trường trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ. Tổng trái phiếu phát hành doanh nghiệp đạt gần 500.000 tỷ đồng.
Trao đổi tại chương trình Phố Tài chính, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, UB Chứng khoán Nhà nước ghi nhận những thành tựu của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 cả về quy mô và chất lượng của thị trường.
"Trong bối cảnh rất đặc biệt là nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, vốn hóa của chúng ta tăng rất mạnh, 46% so với năm 2020, đạt hơn 120% GDP. Chỉ số trên thị trường VNIndex cũng tăng 35% so với thời điểm năm 2020. Thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên tất cả các chính sách mới, văn bản mới của Luật Chứng khoán mới được thể hiện trong luật và trong các văn bản hướng dẫn chính thức đi vào cuộc sống. Chúng tôi cũng nhận thấy sự thay đổi về chất của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường", bà Bình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCK MB (MBS) thì cho rằng, 2021 là năm bản lề, năm tiền đề cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 5-10 năm tới. Đây cũng là 1 năm rất thành công đối với khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
"Việc này đến từ sự chuẩn bị của chính thị trường, chính các công ty chứng khoán, chúng ta đã có rất nhiều năm nung nấu cho sự kiện này. Đây cũng là tiền đề cho quy mô có thể đáp ứng cho yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của bản thân thị trường cũng như các nhà đầu tư trong tương lai.
Trong năm 2021, đa phần các nhà đầu tư đều thắng lợi, nó sẽ là một niềm hân hoan để chúng ta có thể bước tiếp một chặng đường mới", ông nhấn mạnh.
Theo thống kê, có đến 80% doanh nghiệp niêm yết có lãi, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp tăng 13,7%, doanh thu thuần tăng hơn 33% so với năm 2020. Tổng giá trị vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá cổ phần hóa tăng 2,2 lần so với năm 2020. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đã có những chuẩn bị nội lực để phục hồi sau đại dịch.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã biết tận dụng những hỗ trợ đến từ Chính phủ, các cơ chế chính sách giúp cho họ từng bước để vượt qua khủng hoảng.
Thị trường sẽ đạt đỉnh trong năm 2022
Năm 2022, cơ quan quản lý cũng như các thành viên trên thị trường kỳ vọng thị trường chứng khoán ngày càng thay đổi về chất, nâng cao tính minh bạch và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, qua đó thúc đẩy nên kinh tế.
Tại lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán năm 2021 do Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UB Chứng khoán Nhà nước chia sẻ: "Giai đoạn chứng khoán trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào thị trường quy mô và sản phẩm, thời gian tới phát triển về chất lượng nhiều hơn, bền vững nhiều hơn".
Nói về mục tiêu phát triển thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh: "Thị trường của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, và tiếp tục sẽ được công khai, minh bạch. Những vấn đề phát sinh, đem lại những rủi ro, khó khăn cho thị trường thì cơ quan quản lý sẽ chủ động, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ vận hành liên tục, an toàn".
Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 tăng nhanh, mạnh. (Hình minh họa)
Bàn về tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, bà Bình cho biết, trong Luật Chứng khoán mới, Nhà nước đã đưa ra nhiều quy định để nâng cao tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, Luật Chứng khoán này cũng trao quyền cho UB Chứng khoán Nhà nước nhiều công cụ để có thể hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm.
"Năm 2021, UB Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 471 quyết định xử phạt hành chính. Các hành vi vi phạm về công bố thông tin luôn luôn là hành vi vi phạm có số lượng nhiều nhất trên thị trường.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, có rất nhiều các hành vi vi phạm có dấu hiệu của hoạt động thao túng, có một số giao dịch có dấu hiệu bất thường của một số loại cổ phiếu.
Trong thời gian tới, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin Truyền thông để làm rõ cơ chế phối hợp, qua đó nâng cao chất lượng phát hiện cũng như xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán", bà Bình nói.
Để thị trường phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022, đại diện UB Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung vào phát triển bền vững. Để làm được điều này, đầu tiên, phía UB Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường thông qua việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán một cách nghiêm khắc và triệt để từ đó sẽ tạo ra một thị trường vừa trật tự, vừa minh bạch và công bằng.
Thứ hai là hoàn thiện và hoàn tất hệ thống công nghệ để đưa vào vận hành, cũng như là các giải pháp thanh toán, hỗ trợ các nhà đầu tư, hỗ trợ thanh khoản của thị trường.
Cùng với đó, UB Chứng khoán Nhà nước sẽ gia cố các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thêm các mảng thị trường mới. "Chúng tôi kỳ vọng sang năm 2022 chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có chất lượng cao ra nhập thị trường chứng khoán", bà Tạ Thanh Bình kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Trần Hải Hà nhận định sự minh bạch của thị trường chứng khoán đã được nâng tầm hơn so với giai đoạn trước.
"Năm 2022 là một năm cực kỳ khó đoán, nhưng tôi thiên về khía cạnh tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt đỉnh trong 22 năm, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có giá trị cổ phiếu cao nhất kể từ khi họ niêm yết. Chúng ta sẽ chứng kiến một lượng nhà đầu tư mở tài khoản lớn chưa từng thấy.
Tôi hi vọng, 2022 sẽ tiếp tục là một năm thắng lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán", ông Hà bày tỏ.