Theo ông, “cần có không khí phù hợp và những điều kiện thích hợp thì mới có thể đối thoại”.
Lãnh đạo lực lượng quân sự địa phương thân Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh - ông Arayik Harutyunyan thậm chí còn cảnh báo: “Chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài chống lại kẻ thù”. Trong khi đó ngày 29-9, Tổng thống Azerbaijan - ông Ilham Aliyev cũng đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng đàm phán chừng nào Armenia chưa rút lại tuyên bố chủ quyền ở Nagorno-Karabakh.
Người chết do đợt xung đột lần này, theo thông báo của hai bên có thể đã vượt con số 2.400, bao gồm cả dân thường. Theo Al Jazeera, Armenia xác nhận 104 quân nhân và 23 thường dân thiệt mạng, đồng thời khẳng định đã tiêu diệt 130 lính Azerbaijan và làm 200 người khác bị thương.
Trong khi đó, phía Azerbaijan bác bỏ tuyên bố của Armenia và xác nhận chỉ một số ít dân thường thiệt mạng do trúng pháo kích. Azerbaijan còn tuyên bố đã tiêu diệt 2.300 binh sĩ và phá hủy 130 xe tăng, 200 đơn vị pháo binh, 25 đơn vị phòng không, năm kho đạn, 50 đơn vị chống tăng và 55 xe quân sự của bên Armenia.
Đợt giao tranh mới nhất là sự kiện leo thang nghiêm trọng nhất từ năm 1994. Các chuyên gia nhìn nhận tình hình ở Nagorno-Karabakh có thể leo thang thành chiến tranh quân sự tổng lực giữa Armenia và Azerbaijan, nhất là khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng bị lôi vào xung đột.
Nga và Armenia là thành viên của tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và có quan hệ gần gũi với Azerbaijan, còn Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận của Azerbaijan. Hôm 30-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề nghị hai người đồng cấp Armenia và Azerbaijan đến Nga để đối thoại hòa bình.