Doanh nghiệp du lịch 'cầu cứu', muốn áp dụng điều lệ 'bất khả kháng'
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Từ những lá thư kêu cứu của doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã gửi công văn “cầu cứu” đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Quảng Nam và các bên liên quan, đề nghị có những biện pháp tháo gỡ nhanh vì doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản do nợ quá hạn không thể chi trả.
Hàng loạt nhà hàng, cửa hàng và các cơ sở du lịch tại thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam phải đóng cửa hơn một năm nay do khó khăn của dịch Covid-19. Ảnh: Nhân Tâm |
Doanh nghiệp trên bờ vực phá sản
Anh Nguyễn Văn An (Tên đã được thay đổi vì doanh nghiệp không muốn nêu tên) là chủ một cơ sở du lịch tại tỉnh Quảng Nam. Anh đang có khoảng vay thế chấp tổng cộng gần 200 tỉ đồng tại các ngân hàng. Hàng tháng anh phải trả nợ gần 2 tỉ đồng chưa kể lương nhân viên và chi phí vận hành.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp anh trước đây khá ổn định và có thể xoay xở trả nợ vay ngân hàng được. Nhưng khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, cơ sở anh nhiều lần đóng, mở cửa, khiến doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Chia sẻ với KTSG Online, anh ví doanh nghiệp mình như con chim ẩn mình đang chờ chết nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là từ ngân hàng.
Theo tìm hiểu, hoàn cảnh của doanh nghiệp trên cũng tương tự phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khác ở Quảng Nam, chỉ khác về quy mô và số nợ vay ngân hàng.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), nói rằng dịch bệnh kéo dài gần hai năm qua, làm cho doanh nghiệp du lịch kiệt quệ, mất khả năng trả vốn cùng lãi vay ngân hàng, đang đứng trước bờ vực phá sản.
Việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ từ chính phủ và địa phương đang gặp bế tắt do hầu hết doanh nghiệp du lịch đóng cửa, lao động ngành du lịch thất nghiệp.
“Trước sự nguy cấp về dịch bệnh, nguồn vaccine khan hiếm, nên không thể xác định được thời điểm tái hoạt động du lịch”, ông Thanh cho biết. “Trong khi đó, áp lực trả vốn, lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam trở thành gánh nặng hằng giờ chưa có cách xoay xở và đang đối mặt với nguy cơ trở thành nhóm nợ xấu”.
Doanh nghiệp càng khó khăn khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, trong đó quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, có một số điểm sau: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-01-2020 đến ngày 31-12-2021”, hay “Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021” … chứ không thuận lợi như thời điểm được nêu trong Thông tư 01/2020/TT-NHNN: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-01-2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid – 19”…
Đàm phán điều kiện "bất khả kháng” với ngân hàng
“Tôi có tìm hiểu và nghĩ mọi người phải hợp lực, vừa cứng vừa mềm với ngân hàng”, anh Nguyễn Văn An nói và đưa ra ví dụ dựa vào hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng, thường luôn có “điều kiện bất khả kháng”.
Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Do đó, hợp đồng đang rơi vào tình thế bất khả kháng, nên hai bên đều có quyền làm sai hợp đồng mà không bị coi là vi phạm. Cụ thể, theo vị doanh nhân này, khách hàng có thể (phải) nợ quá hạn, vì không thể có thu nhập để trả theo hợp đồng, mà ngân hàng không được đưa vào nhóm nợ xấu. Đồng thời, ngân hàng cũng phải tìm cách giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp.
Rất nhiều doanh nghiệp mong có được những hỗ trợ đặc biệt từ ngân hàng để họ dễ thở hơn, không bị phá sản khi dịch được kiểm soát. Ảnh tại một cơ sở du lịch tại Hội An những ngày chưa bùng phát dịch. Ảnh: Nhân Tâm |
Anh An gợi ý thêm ngân hàng không được “phạt trả trước hạn” nếu món nợ của khách hàng được ngân hàng khác mua lại. Cụ thể, nếu khách hàng đàm phán được với ngân hàng khác để chuyển nợ qua, hoặc có ngân hàng khác muốn hổ trợ nên nhận nợ về thì không được phạt. Vì nếu phạt, nghĩa là ngân hàng đang bắt khách hàng vào thế bí phải phá sản, phải bán tài sản.
Từ kiến nghị và cầu cứu của anh An cũng như hầu hết doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam, QTA đã gửi thư cầu cứu đến UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Quảng Nam.
Trong đó, QTA lý giải do dịch bệnh kéo dài, chưa xác định được thời điểm miễn dịch cộng đồng và tái khởi động hoạt động du lịch, nên đề nghị xác định khoảng thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ là thời điểm khi hết dịch hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (không thể là ngày 31-12-2021 như Thông tư 03).
Bên cạnh đó, do Covid-19, hoạt động du lịch khủng hoảng trước nhưng phục hồi sau cùng, nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn- giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ, dựa trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, cần áp dụng trường hợp bất khả kháng cho doanh nghiệp (như đề nghị của doanh nhân trên).
“Tôi nghĩ cần có những kiến nghị với Chính phủ để có những điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ chính sách về thời gian cơ cấu nợ, về vốn và lãi suất tiền vay theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng này”, ông Thanh cho biết.
Về vấn đề áp dụng “điều kiện bất khả kháng” trong hợp đồng do Covid-19, trong một bài viết trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn vào năm ngoái, luật sư Kiều Anh Vũ (Công ty Luật TNHH KAV Lawyers) cho biết sự kiện bất khả kháng là một vấn đề pháp lý cơ bản được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (khoản 1 điều 156), một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng phải hội đủ các yếu tố sau đây: là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng không phải là sự kiện đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm khi nó xảy ra mà còn gắn liền với thủ tục thông báo và chứng minh của bên vi phạm. Luật sư Vũ cho biết rõ ràng rằng dịch bệnh bùng phát và nhanh chóng lan rộng là một sự kiện khách quan, không thể lường trước được. Tuy vậy, nếu chứng minh sự kiện này là sự kiện bất khả kháng thì còn phải chứng minh các yếu tố còn lại theo luật định như “không thể khắc phục được”, “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. “Không thể khắc phục được” là không thể khắc phục được sự kiện xảy ra. Rõ ràng đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa chấm dứt; nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn thực hiện cách ly và các biện pháp y tế nghiêm ngặt khác... Do vậy, nếu một doanh nghiệp bị tác động do sự kiện này thì doanh nghiệp đó không thể khắc phục được sự kiện này dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, thực tế là vượt quá khả năng khắc phục của doanh nghiệp đó, nên cần coi đây là sự kiện bất khả kháng. |
Xem thêm: lmth.gnahk-ahk-tab-el-ueid-gnud-pa-noum-uuc-uac-hcil-ud-peihgn-hnaod/092913/nv.semitnogiaseht.www