Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tất cả các tỉnh, thành đều đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Song dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới khoảng 15.000 ca/ngày.
Đáng lưu ý, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao. “Thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicro và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicro”, báo cáo nêu.
Về việc tiêm vắc xin, đến nay tỉ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều là 99,6%, tiêm đủ liều cơ bản là 90,9% và một bộ phận người dân đã được tiêm liều thứ 3 (khoảng 4,8 triệu người từ 18 tuổi trở lên). Với người từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm được 12,8 triệu liều. Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
So với tháng 8, tháng 9/2021, số ca tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao (trên 200 ca/ngày), chủ yếu là người già, người có bệnh nền, phần lớn (trên 70%) chưa được tiêm đủ vắc xin.
Trong khi đó, năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập nhất là khi số ca bệnh nặng tăng cao.
Đáng lưu ý, qua hai năm chống dịch, nhiều cán bộ nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc… Hàng ngàn trường hợp đã xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.
Đến hết Quý I/2022 phải tiêm đủ 3 mũi
Theo Chính phủ, Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định dịch, COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, tăng gánh nặng hệ thống y tế và tử vong. Do đó nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.
Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, trong đó xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch, thuốc điều trị COVID-19; tập trung bao phủ vắc xin từ nay đến hết Quý I/2022 phải tiêm đủ 3 mũi cho người thuộc diện tiêm chủng; chủ động sản xuất, nhập khẩu thuốc đặc hiệu và đề cao ý thức Nhân dân.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện; trường hợp các cơ sở y tế tư nhân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19 thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, tất cả các bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.
Cần thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của WHO…
Luân Dũng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.61795717140102202-cahk-iom-eht-neib-gnuhn-neih-taux-eht-oc-man-teiv-orcimo-iaogn/nv.zibefac