Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 là năm khó khăn chưa có tiền lệ, nhưng thu ngân sách đạt 1,5 triệu tỉ đồng, vượt 16,4% dự toán. Trong đó, thu thuế và phí nội địa tăng 14,5%; xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt kim ngạch hơn 668 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD…
“Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết thị trường chứng khoán có sức bật tốt, là kênh huy động vốn hiệu quả với quy mô vốn hóa thị trường đạt 7,7 triệu tỉ đồng, tăng 46,8% so với năm ngoái.
Giá trị giao dịch cổ phiếu cũng tăng đột phá, tăng 2,6 lần so với năm 2020, bình quân một phiên là 26.600 tỉ đồng. Đến tháng 9/2020, dao động 1 tỉ USD/phiên, có thời điểm giao dịch đạt 2 tỉ USD/phiên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc cần bịt lỗ hổng trong việc huy động trái phiếu doanh nghiệp
Về trái phiếu doanh nghiệp huy động đạt 155.588 tỉ đồng, gấp 2 - 3 lần trước đây. Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, đối với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
"Nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn lấy tiền về để buôn bán bất động sản... Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", ông Phớc đánh giá.
Trao đổi thêm về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc so sánh cũng tại TP Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ - vốn là trái tim của thành phố - có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỉ đồng/m2.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, điều này là không phù hợp, giá không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.
Bộ trưởng cho rằng, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên môi trường, kể cả vấn đề giá đất.
Về việc thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt, nhưng có doanh nghiệp tăng chục lần trong khi thua lỗ, liệu có hay không có yếu tố đầu cơ, tăng ảo, ông Phớc nhắc lại hiện Bộ Tài chính đang sửa quy định liên quan, tránh trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, làm thiệt hại đến các nhà đầu tư khác.
Đồng thời, Bộ Tài chính cảnh báo để các nhà đầu tư thận trọng, doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, báo cáo tài chính, lỗ lãi... công khai với nhà đầu tư. Tuy vậy, ông nhấn mạnh việc tăng quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán là tín hiệu tốt, sẽ là kênh huy động vốn tốt.
Cần tạo ra cầu cho nền kinh tế
Liên quan đến gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thời gian tới, muốn kinh tế vực dậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng. Theo đó cần tạo ra cầu cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội gói chính sách tài khóa 291 nghìn tỉ đồng.
Trong đó có giảm thuế 64 nghìn tỉ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm ngoái (năm ngoái chỉ giảm 21,5 nghìn tỉ đồng), đặc biệt trong đó có giảm 2% thuế GTGT, hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá phát triển…. Đồng thời có các chính sách chi hỗ trợ thuê nhà cho người lao động là 6,6 nghìn tỉ; chi hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế và bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, cho học sinh sinh viên vay, phát triển miền núi…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc huy động nguồn lực cũng đã có báo cáo các cấp có thẩm quyền. Theo đó việc huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. Để gói kích cầu nói riêng và giải quyết nút thắt phát triển kinh tế xã hội cần giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.49192647140102202-gnourt-iht-naol-ueihn-mal-hnih-neid-al-meiht-uht-tad-aig-uad/et-hnik/nv.vtv