Sáng 4-1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Mở rộng phân quyền cho UBND tỉnh
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 31 và 32 Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án có quy mô sử dụng đất (SDĐ) từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng, đề xuất phân cấp nêu trên vẫn được xác định theo một trong hai tiêu chí về quy mô dân số hoặc quy mô SDĐ, tương tự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư hiện hành.
“Chính phủ đề xuất quy mô SDĐ 300 ha là lấy theo mức trung bình quy mô SDĐ của khu vực dự án được dự kiến hình thành đô thị loại IV, từ 250 đến 400 ha” - ông Long cho biết.
Theo dự thảo luật, UBND cấp tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Ngoài ra, Điều 33 của dự thảo được bổ sung theo hướng quy định việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và phải được sự đồng ý bằng văn bản của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
“Quy định này tạo cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp, đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa có ý kiến đối với dự án ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của tám luật. Ảnh: QH
“Có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản”
Thẩm tra nội dung nói trên, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế “cơ bản nhất trí” việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Tuy nhiên, để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau khi thực hiện, đa số ý kiến đề nghị quy định rõ theo hướng đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”.
Ủy ban này cũng đề nghị tách thành tiểu mục riêng quy định liên quan đến các dự án đầu tư trong khu vực I và II của các di sản và bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của UBND, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư.
Trong khi đó, thẩm tra quy định về hình thức SDĐ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
Theo cơ quan thẩm tra, việc sửa đổi cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay. Đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản. Do vậy, ý kiến này đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích SDĐ, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến khác đề nghị xem xét đồng bộ vấn đề này khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở và Luật Đất đai…
Bổ sung quy định để không thất thoát ngân sách Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 75 Luật Đầu tư, Điều 23 Luật Nhà ở theo hướng: Khi dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ được phê duyệt, nhà đầu tư có quyền SDĐ thuộc một trong các trường hợp: (i) có quyền SDĐ ở hợp pháp; (ii) có quyền SDĐ ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; (iii) có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở. Việc này chỉ bị loại trừ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định pháp luật. Đồng thời, để không thất thoát ngân sách, dự thảo luật bổ sung quy định sau khi đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan. *** Một số đề xuất đáng chú ý - Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong năm năm đầu (kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành); từ năm thứ sáu trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước). - Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần”, đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản. Theo đó, dự thảo luật quy định trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản… |