Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho hay có một rào cản lớn nhất khiến DN khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hoặc từ các gói vay với lãi suất ưu đãi của Chính phủ.
Rào cản đó là do DN không đáp ứng đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay.
Không đáp ứng đủ điều kiện về tài sản thế chấp là rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thậm chí, một số DN còn phản ánh lãi suất cho vay còn cao so với tình hình kinh doanh hiện nay, đối tượng giảm lãi suất chưa nhiều.
“Vì vậy, đề xuất các cơ quan chức năng cần nới lỏng điều kiện cho vay theo hướng không bắt buộc thế chấp bằng tài sản. Cùng với đó là mở rộng hạn mức cho vay trong điều kiện DN không còn tài sản bảo đảm; cho phép kéo dài thời hạn hoàn vốn vay tương ứng thời gian cơ cấu lại các khoản nợ vay theo Thông tư 01 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước” - ông Dũng đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho hay thực tế các ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các DN gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ngân hàng cũng là DN và họ đang dùng nguồn lực của chính mình để hỗ trợ các DN khác.
“Tính tới thời điểm này, các ngân hàng đã hy sinh lợi nhuận tổng cộng là 28.000 tỉ đồng, trong đó 26.000 tỉ đồng là giảm lãi suất cho vay và khoảng 2.000 tỉ đồng là giảm phí. Đây là việc thực, con số thực chứ không phải câu chuyện lên tivi mà giảm lãi, phí như mọi người vẫn nói” - ông Hùng thông tin.
Trong bối cảnh DN đang có khoản vay thuộc nhóm nợ dưới chuẩn (nhưng chưa bị nhảy nhóm nợ), doanh thu không có, lợi nhuận bằng 0, tài sản thế chấp cũng không có thì phải làm sao có điều kiện để tiếp cận vốn? Theo ông Hùng, để hỗ trợ DN trong giai đoạn này thì ngành ngân hàng đang rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như ban hành những chính sách dài hơi, kịp thời và hiệu quả.
Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét gộp các thông tư 01, 03 và 14 vào làm một cho thống nhất và phù hợp. Hiện ba thông tư này cùng có hiệu lực, bản thân ngân hàng hạch toán rất khó khăn nên DN muốn thực hiện cũng không dễ. Thứ hai, cần phải có chính sách dài hạn, phải làm sao tạo điều kiện cho các DN có khả năng phục hồi sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Theo ông Hùng, hiện các ngân hàng không còn nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ DN, nếu có thì cũng chỉ quanh những chính sách như hiện nay, đó là cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ dài hơn. “Chứ còn giải quyết triệt để và giúp cho DN có cơ hội phục hồi thì cần phải có chính sách đặc biệt, phù hợp với thực tiễn hơn. Với một chính sách mạnh hơn và vượt tầm của Ngân hàng Nhà nước thì phải trình Quốc hội và Chính phủ xem xét, phê duyệt” - ông Hùng cho biết.
Theo ông Chu Tiến Dũng, kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM về mức độ tiếp cận các gói tín dụng của DN cho thấy chỉ có 30,72% trong số 500 DN được hỏi đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về vốn/tín dụng của Chính phủ. Đặc biệt, các DN nhỏ và siêu nhỏ chỉ khoảng 22% tiếp cận được. |