Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 4-1 cho biết một quan chức ngoại giao cấp cao của họ sẽ đến Vienna trong tuần này để đàm phán về cách giải quyết những tài sản bị đóng băng của Iran tại quốc gia này với Tehran và các nước khác.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đã được nối lại vào ngày 3-1, Reuters đưa tin.
Quan chức ngoại giao từ tất cả các bên cho biết họ đang hy vọng sẽ có một bước đột phá vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, song còn nhiều sự khác biệt cùng những bất đồng quan điểm các bên vẫn chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun có thể là một tín hiệu tích cực. Iran đã nhiều lần yêu cầu các nước giải phóng các tài sản bị đóng băng của mình theo lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm khoản tiền 7 tỉ USD tại Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay phái đoàn của họ "sẽ tìm cách giải quyết vấn đề tài sản bị đóng băng của Iran" ở nước này thông qua những cuộc tham vấn bên lề các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, với sự phối hợp của Mỹ, Pháp, Đức và Anh.
Quốc kỳ Iran ở trước tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc tại Vienna, Áo, ngày 24-5-2021. Ảnh: REUTERS
Vòng đàm phán thứ tám, vòng đàm phán đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, đã bắt đầu trở lại vào ngày 3-1 sau khi các bên bổ sung một số yêu cầu mới của Iran vào văn bản đàm phán.
Việc phía Iran từ chối gặp trực tiếp các quan chức Mỹ đã khiến những quốc gia khác có liên quan, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, phải trở thành cầu nối giữa hai nước.
Về phía mình, chính quyền Washington bày tỏ sự thất vọng với động thái này của Tehran, nói rằng việc này làm chậm quá trình đàm phán và nghi ngờ Iran chỉ đơn giản đang cố tình để câu giờ.
Các quốc gia phương Tây khác cũng cho rằng tiến độ hiện tại của quá trình đàm phán đang diễn ra quá chậm và các bên chỉ còn "vài tuần chứ không phải vài tháng" trước khi thỏa thuận này trở nên vô nghĩa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 4-1 một lần nữa cảnh báo Iran rằng họ đã không còn nhiều thời gian để cứu vãn thỏa thuận này.
Hiện các bên vẫn chưa đạt được sự thống nhất về phần còn lại của thỏa thuận, bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy những hạn chế đối với các hoạt động nguyên tử của nước này.
Trước đó, vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Washington ra khỏi thoả thuận, tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran. Đáp trả lại, Iran sau đó đã vi phạm nhiều điều khoản của thỏa thuận.