Tờ The Nikkei ngày 5-1 cho biết hai chuyên gia thuộc Viện Chiến tranh Lục quân Mỹ là TS Jared McKinney và PGS Peter Harris vừa công bố tập tài liệu với nội dung đề xuất chiến lược đáp trả cho Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Theo đó, một khuyến nghị quan trọng của tài liệu là Đài Loan cùng Mỹ nên đe dọa sẽ phá hủy các dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của công ty sản xuất chất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip có hợp đồng lớn nhất thế giới.
Bất chấp nỗ lực thúc đẩy từ chính quyền Trung Quốc, năng lực sản xuất chip bán dẫn của nước này vẫn rất hạn chế khi chỉ có 6% lượng chip được sử dụng trong Trung Quốc vào năm 2020 được sản xuất nội địa. TSMC vẫn là nguồn cung chip bán dẫn chính cho nền công nghiệp đại lục.
Lãnh đạo Đài Loan - Thái Anh Văn thăm binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ hòn đảo ở TP Đài Nam hồi tháng 1-2021. Ảnh: AFP
Việc phá hủy dây chuyền sản xuất chip bán dẫn như vậy sẽ khiến đảo Đài Loan trở nên "kém hấp dẫn" hơn trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc, khiến nước này có thể chùn tay trong kế hoạch đưa quân thu hồi bởi nếu có thu hồi được cũng sẽ không thu được lợi ích gì đáng kể.
Ngay khi năng lực sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan không còn, nguồn cung duy nhất sẽ rơi vào tay tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ. Lúc đó, dĩ nhiên Seoul sẽ cùng với Washington tìm mọi cách ngăn cho Trung Quốc tiếp cận nguồn chip của Samsung, giống như cách tập đoàn Huawei từng bị cấm nhập thiết bị linh kiện sản xuất tại Mỹ.
"Ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc lúc đó sẽ bị vô hiệu hóa ngay khi Trung Quốc phát động chiến tranh và tập trung nỗ lực thu hồi Đài Loan. Lúc chiến tranh kết thúc, hậu quả kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm sau đó" - hai chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo.
Cũng theo các chuyên gia này, sở dĩ Đài Loan cần cân nhắc khuyến nghị nói trên là bởi hai ông lo ngại các chiến lược răn đe truyền thống như thiết lập một vành đai các tàu chiến Mỹ quanh Đài Loan sẽ không đủ sức ngăn Trung Quốc tấn công.
Hai người có nguồn tin nội bộ trong quân đội Trung Quốc khẳng định mục tiêu của quân đội Trung Quốc khi tấn công Đài Loan là đánh chiếm thành công hòn đảo trong 14 tiếng, dựa trên giả định là Mỹ và đồng minh gần nhất là Nhật sẽ mới tới 24 tiếng để tập hợp lực lượng đáp trả.
Ngoài việc phá hủy dây chuyền sản xuất chip bán dẫn, Mỹ và Đài Loan cũng nên cân nhắc phối hợp tổ chức di tản các lao động tay nghề cao trong lĩnh vực này và cho họ tị nạn ở các nước an toàn để tránh bị lực lượng Trung Quốc bắt giữ.
TS Jared McKinney và PGS Peter Harris thừa nhận chiến lược kiểu phá hủy mọi thứ để cả ta lẫn đối thủ đều gặp bất lợinhiều khả năng sẽ không được người dân Đài Loan ủng hộ, song nó vẫn đỡ thiệt hại hơn là một kịch bản chiến tranh kéo dài với cả Mỹ và Trung Quốc cùng tham chiến trên hòn đảo.
"Nếu Mỹ và Đài Loan cùng muốn tránh cho Trung Quốc tấn công hòn đảo, thì hai bên cần phải nhìn sang những giải pháp khác không phù thuộc hoàn toàn vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Việc quá tập trung vào đe dọa quân sự đang dần trở nên mât tác dụng và rủi hơn" - hai chuyên gia Mỹ viết.