Ông Andrew Hunt, CEO công ty nghiên cứu Hunt Economics và cựu Giám đốc Ben Husby của JPMorgan Chase cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ phải trải qua "Đại Gián đoạn", dù khó có thể nói giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu.
Căn nguyên các vấn đề kinh tế của Trung Quốc có gốc rễ rất sâu. Mô hình kinh tế nước này từ lâu đã dựa vào việc sử dụng tín dụng với cường độ lớn để tài trợ cho tăng trưởng ấn tượng. Kết quả là tốc độ gia tăng các khoản nợ của Trung Quốc đi lên nhanh chóng, vượt quá cả nền kinh tế. Động lực này không bền vững, không thể kéo dài mãi.
Tuy một phần dòng tín dụng được dùng để giúp tạo ra năng lực công nghiệp, phần lớn được sử dụng để tài trợ cho sự mở rộng nhanh chóng và to lớn của nguồn cung nhà ở.
Do đó, ngành xây dựng và bất động sản Trung Quốc đã trở nên cực kỳ lớn khi so với nền kinh tế tổng thể. Nghiên cứu của ông Hunt và Husby cho thấy tầm quan trọng của hai lĩnh vực này với nền kinh tế nói chung lớn hơn gấp đôi trong thời kỳ bong bóng nhà đất Mỹ năm 2005-2006.
Hai ông cũng ước tính tầm quan trọng của bất động sản đối với người tiết kiệm Trung Quốc cũng không kém so với tỷ trọng của tài sản tài chính trên tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ, tức là khoảng 78%. Do vậy sự sụt giảm của thị trường bất động sản sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế trong khoảng thời gian đáng kể.
Trong thời gian gần đây, hình mẫu tăng trưởng dựa vào bất động sản của Trung Quốc đã vướng phải một số hạn chế, bao gồm khả năng chi trả, sự bão hòa của thị trường và khả năng tiếp cận vốn. Hệ thống tài chính Trung Quốc cũng đạt đến quy mô chưa từng có, không chỉ xét trong tương quan kinh tế nước này mà còn cả kinh tế toàn cầu.
Các khoản vay liên quan tới bất động sản và tài sản thế chất bằng nhà đất thống trị hệ thống. Các ngân hàng Trung Quốc có giá trị chịu rủi ro cực lớn đối với ngành bất động sản, đến mức lấn át mọi lĩnh vực khác, và sẽ phải vật lộn để duy trì bảng cân đối kế toán nếu rắc rối trong ngành này không thuyên giảm.
Hậu quả của những rắc rối trên là trong tương lai tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều.
Dòng chảy tín dụng cho khu vực tư nhân của Trung Quốc sẽ ngày càng bị thắt chặt. Các ngành sẽ phải cạnh tranh lẫn nhau để được vay tiền.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã ra quyết định rằng lĩnh vực bất động sản và xây dựng, cùng với một số lĩnh vực khác bị coi là không phù hợp với "thịnh vượng chung" gần như sẽ bị loại trừ khỏi thị trường tín dụng. Những lĩnh vực quan trọng này hiện phải đối mặt với nhiều năm thắt lưng buộc bụng.
Dĩ nhiên, giới chức trách vẫn sẽ đảm bảo dòng chảy tín dụng cho những ngành được yêu thích khi họ tìm cách tăng cường năng suất và hỗ trợ các hoạt động tạo thêm giá trị cho nền kinh tế. Bắc Kinh cũng sẽ muốn đảm bảo rằng xuất khẩu sẽ tạo được tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong thế giới hậu đại dịch, chưa chắc tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ đủ mạnh để hỗ trợ động lực xuất khẩu của Trung Quốc hay không, và liệu phương Tây có muốn mua hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn từ Trung Quốc hay không.
Căng thẳng địa chính trị có thể không những được phản ánh trong hạn ngạch thương mại mà còn ở các loại hàng hóa mà các quốc gia sẵn sàng nhập khẩu từ các đối thủ. Cú hích cho ngành xuất khẩu mà Bắc Kinh cố công tạo dựng cũng không chắc sẽ thành công.
Do đó, có vẻ rõ rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục mờ nhạt trong một khoảng thời gian đáng kể. Trung Quốc phải "tạm nghỉ" 5 năm sau hai năm tăng trưởng quá đà 1992 và 1993.
Hai ông Hunt và Husby nhận định khả năng lớn là trong thập kỷ này, quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phải trải qua thời kỳ "Đại Gián đoạn" tương tự nhưng có lẽ còn dài hơn giai đoạn trong thập niên 1990.
Xem thêm: mth.79904556150102202-nah-ioig-ned-mahc-nag-ad-couq-gnurt-auc-gnourt-gnat-hnih-om/nv.zibmanteiv