Mấy ngày nay, anh Lê Văn Nhật (35 tuổi, trú khối phú Nam Diêu, phường Thanh Hà), chủ một cơ sở sản xuất gốm truyền thống ở làng gốm Thanh Hà, đang tất bật những công đoạn cuối cùng của cặp linh vật rồng trên chiếc lùng binh bằng đất nung.
Chiếc lùng binh bằng đất nung là một sản phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà, là chiếc bình dùng để bỏ tiền tiết kiệm giống như heo đất.
Anh Nhật cho hay mỗi năm, cơ sở của anh được chính quyền phường giao làm linh vật để trưng bày ở làng gốm vào dịp tết, vừa quảng bá sản phẩm của làng gốm cổ này, vừa phục vụ du khách tham quan, check in.
Năm nay dịp Tết Giáp Thìn 2024, cơ sở của anh được giao làm linh vật rồng.
Từ cuối tháng 12-2023, nghệ nhân trẻ này đã tất bật với cặp linh vật rồng trên chiếc lùng binh với kích thước cao 68 cm, rộng 55cm.
Công đoạn làm có nhiều bước, nhưng ban đầu quan trọng là hình dung linh vật nằm trên cái gì, anh chọn chiếc lùng binh, sau đó dựng phôi chiếc lùng binh, phải luôn luôn giữ ẩm để đạt tỉ lệ với đất sét thì khi tạo linh vật rồng trên chiếc lùng binh này sẽ không bị nứt.
Sau đó dùng đất sét nặn con rồng quấn quanh chiếc bình, tạo hình rồng thành công, anh mang đi phơi nắng và tráng men, cho vào lò điện nung. Để làm cặp linh vật rồng này anh mất khoảng 20 ngày.
"Tạo hình con rồng khó hơn các linh vật khác vì có rất nhiều chi tiết, cần phải tỉ mĩ từng tí một. Vì rồng là con vật uy phong, có rất nhiều chi tiết như vảy, râu, đuôi, móng chân, mắt, phải làm sao toát lên vẻ dũng mãnh, uy phong, sắc xảo" - anh Nhật kể.
Anh cho biết sẽ phơi cho khô cặp linh vật rồng này rồi 5 ngày nữa sẽ cho vào lò nung. Hai chiếc lùng binh sau khi nung sẽ cho màu rất đẹp.
Sau khi hoàn thành cặp linh vật rồng này, anh sẽ giao lại cho chính quyền để trưng bày ở cổng làng hoặc điểm dừng chân ở làng gốm Thanh Hà phục vụ du khách dịp Tết Giáp Thìn.
Anh Nhật cho biết cơ sở của mình đã bán được hai chiếc lùng binh có linh vật rồng với kích thước 47x35 cho khách với giá 2 triệu đồng mỗi chiếc.
"Trong thời gian tới cơ sở sẽ cho ra nhiều sản phẩm bình gốm, lùng binh linh vật rồng với nhiều mẫu mã đa dang hơn phục vụ khách hàng" - anh Nhật nói thêm.
Năm nay là một năm khó khăn với thị trường hoa Tết, các nghệ nhân tạo hình cây kiểng tại Chợ Lách, Bến Tre đã chuyển hướng làm những sản phẩm kiểng rồng loại nhỏ, có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi cặp để dễ bán.