Ngày 14/8/1987, cảnh sát Australia bất ngờ ập đến ngôi nhà nằm trên khu đất khoảng 5 mẫu ở ngay ven hồ Eildon, ngôi nhà khuất sau những tán lá rậm rạp và hàng rào dây thép gai dày đặc. Họ tìm thấy 7 đứa trẻ mặc đồng phục, tóc nhuộm vàng và cắt ngắn đang tập yoga. Chỉ một lát sau, cả đám trẻ, vẫn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra, đã được đưa đi khỏi căn nhà đầy vẻ u ám cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài đó.
Trong số những đứa trẻ được đưa đi hôm ấy, có cậu bé Ben Shenton, 15 tuổi. Ben chẳng thể lý giải được sự việc và mãi sau này Ben mới biết ngày hôm đó Ben như được sống lại thêm một lần nữa.
Hình ảnh cậu bé Ben ngay sau khi được giải thoát khỏi giáo phái khét tiếng
Ben Shenton đứng bên phải, hàng trên
Trước đó, thế giới của Ben được định hình bởi Anne Hamilton-Byrne - một phụ nữ rạng rỡ làm nghề huấn luyện viên yoga. Nhưng hóa ra, người phụ nữ mà cậu tin là mẹ thực chất là thủ lĩnh giáo phái khét tiếng nhất trong lịch sử Australia có tên là "The Family" (Gia đình). Bà ta tự cho mình là hóa thân của Chúa - có trách nhiệm dẫn dắt những người sống sót sau ngày tận thế đang đến gần.
Cái tên thì thân thương mà cách dạy dỗ thì tàn độc không tưởng!
Ở Australia vào những năm 1960 và 70, chủ nghĩa Huyền bí phương Đông, triết học Thời đại mới và những điều huyền bí phát triển mạnh mẽ ở các vùng ngoại ô giàu có, và Anne trở thành một huấn luyện viên yoga cho những bà nội trợ buồn chán đang tìm kiếm một thứ gì đó... mơ hồ huyền bí.
Nhờ một vài lời truyền bá vặt vãnh "lượm nhặt" từ các đạo Ấn Độ giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo, Anne khiến nhiều người của tầng lớp xã hội đầy trí thức tin rằng bà ta là hóa thân của Chúa, có thể giúp mọi người được hưởng "cuộc sống tốt đẹp sau khi chết".
Anne Hamilton-Byrne được cho là có khuôn mặt và giọng nói rất cuốn hút khiến nhiều người bị "mê hoặc"
Bà ta đã chiếm được lòng tin của nhiều người đến mức nếu muốn gia nhập giáo phái thì nhất định phải vượt qua được "chướng ngại vật", mà theo điều tra sau này của cảnh sát về cơ bản là phải uống rất nhiều thuốc gây ảo giác LSD (Lysergic acid diethylamide) - một dạng ma túy tổng hợp.
Là "bậc thầy" trong việc dụ dỗ người khác, Anne kết bạn với rất nhiều chuyên gia y tế, trở thành bạn bè thân thiết của họ, bao gồm các lãnh đạo cấp cao tại Bệnh viện Tâm thần Newhaven (hiện đã đóng cửa) - một cơ sở điều trị cho bệnh nhân tâm thần bằng LSD hợp pháp và liệu pháp điện co giật.
Bà ta luôn rao giảng rằng mình là người yêu mến trẻ nhỏ
Từ những năm 1950 đến những năm 1980, ở Australia, việc nhận con nuôi từ một bà mẹ trẻ, chưa kết hôn là tương đối dễ dàng. Trong khi những bà mẹ đó lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư vấn hoặc nhận thức về các quyền hợp pháp của họ. 2 yếu tố này đã giúp Anne đạt được mục đích, bà ta tìm kiếm những bà mẹ đơn thân xuất thân từ gia đình giàu có, những người coi cô ta như vị cứu tinh. Họ trao tiền mặt và cả con của mình cho giáo phái.
Những phụ nữ có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc lạm dụng chất kích thích hầu như không có cơ hội giữ con một khi họ bị đánh giá là "không thích hợp", và cũng lại thật tiện lợi là Anne dễ dàng tiếp cận với một loạt các y tá chăm sóc sức khỏe tâm thần, nữ hộ sinh và những người sẵn sàng giả mạo tài liệu.
Anne đã giả mạo giấy khai sinh và nuôi hơn một chục đứa trẻ, khiến chúng tin rằng chúng là con đẻ của mình.
Nhờ sự quyên góp của những người "hâm mộ", Anne đã có thể giấu 14 đứa trẻ tại một khu đất bên cạnh Hồ Eildon có tên là Kai Lama.
Ở đó, những đứa trẻ phải trải qua những ngày na ná nhau với lịch trình cứng nhắc bao gồm học ở nhà, ăn ít, làm việc nhà, tập thể dục lặp đi lặp lại, hình phạt khắc nghiệt và không tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Mặc dù chỉ có vài đứa trẻ được cảnh sát giải cứu năm 1987, từng có thời điểm dị giáo The Family quy tụ hơn 28 môn sinh.
Hình ảnh những đứa trẻ trong giáo phái "The Family"
Các bé gái mặc trang phục giống hệt nhau, váy yếm, mái tóc dài buộc lại bằng ruy băng, và các bé trai cũng mặc trang phục giống hệt nhau, với mái tóc tẩy trắng nổi bật. Từ khi mới sinh, những đứa trẻ đã bị cho dùng thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm - nhiều loại trong số đó thường được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Khi đến một độ tuổi nhất định, các em phải tiếp xúc với LSD liều cao.
Anne là chủ ngôi nhà nhưng hầu hết thời gian đều không có mặt ở đó và vì vậy việc nuôi dạy đám con trẻ chủ yếu được giao cho các thành viên của giáo phái. Họ được đặt biệt danh là "Dì", nhưng cư xử như những người quản giáo và đương nhiên đám trẻ không thể tránh được những trận đòn roi đau đớn nếu lỡ vi phạm quy định. Các "dì" tra tấn chúng bằng nước, đánh roi, cho nhịn đói vài ngày hay ép hơ ngón tay trên nến; trong khi đó, Anne trực tiếp đánh đập bọn trẻ bằng giày cao gót.
Cái kết cho kẻ gieo rắc cái ác
Dù quản lý The Family bằng những thủ đoạn tàn nhẫn và tinh vi nhưng Anne vẫn để lộ sơ hở. Một đứa trẻ tên Sarah bị đuổi khỏi giáo phái do có hành vi nổi loạn. Với sự hỗ trợ của thám tử tư, Sarah đã đóng vai trò lớn trong việc khiến cảnh sát chú ý rồi mở cuộc đột kích vào ngôi nhà của dị giáo hôm 14/8/1987 và giải thoát tất cả đám trẻ.
Anne qua đời hồi tháng 6 năm 2019 ở tuổi 97, sau một thời gian mắc bệnh đãng trí
Biết sự thật đã bại lộ, Anne và chồng trốn ra nước ngoài trong 6 năm. Đến tháng 6/1993, cặp đôi bị FBI bắt giữ ở New York trong một cuộc điều tra phối hợp của Anh, Australia và Mỹ.
Cả 2 bị dẫn độ về Australia và bị buộc tội âm mưu lừa gạt, khai man khi đăng ký khai sinh ba đứa trẻ không có quan hệ huyết thống là con ruột.
Họ nhận tội khai man và bị phạt 10.000 USD, các tội danh khác không đủ bằng chứng cấu thành. Anne qua đời hồi tháng 6 năm 2019 ở tuổi 97, sau một thời gian mắc bệnh đãng trí. Tính đến nay, bà ta là một trong những thủ lĩnh giáo phái khét tiếng nhất lịch sử tội phạm Australia.
Nguồn: Tổng hợp
https://kenh14.vn/su-that-ve-giao-phai-tan-the-khet-tieng-nhan-danh-viec-thien-nuoi-duong-tre-mo-coi-tay-nao-tat-ca-de-hanh-ha-tre-nho-theo-cach-man-ro-20220105174602239.chn