Một khu dân cư bị phong tỏa ở Tây An, Thiểm Tây - Ảnh: AFP
Sự việc xảy ra tại thành phố Tây An của tỉnh Thiểm Tây đúng vào đêm đầu tiên của năm 2022 đang khiến dư luận Trung Quốc thắc mắc, phẫn nộ.
Thành phố này đang trong đợt phong tỏa, yêu cầu 13 triệu dân phải ở yên trong nhà do đang là điểm nóng bùng dịch COVID-19. Tuy nhiên theo nhiều người, điều đó không giải thích được thái độ làm việc máy móc, thiếu tình người của Bệnh viện Xian Gaoxin.
Quá bức xúc, cháu gái của thai phụ nói trên đã lên mạng xã hội Weibo (tương tự Twitter) tố cáo cách làm việc của bệnh viện. Cô cho biết dì mình đã phải ngồi đợi suốt 2 giờ, vì giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới hết hạn chỉ 4 giờ.
"Nhân viên y tế chỉ đưa dì tôi đến phòng phẫu thuật khi thấy dì đang chảy máu nghiêm trọng. Em bé 8 tháng tuổi đã chết trong bụng mẹ", cháu gái của thai phụ viết.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, hiện thai phụ vẫn đang trong bệnh viện. Đau đớn vì mất con, cô gửi tin nhắn thoại cho cháu gái để cập nhật tình hình, yêu cầu một lời giải thích từ bệnh viện.
Một thai phụ sắp sinh khác cũng tiết lộ bản thân đã trải qua hoàn cảnh tương tự vì đang ở trong vùng phong tỏa cứng. Trong bài đăng trên Weibo ngày 5-1, cô kể bị chảy máu từ sáng 29-12-2021 nên muốn đến bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên một bệnh viện đã từ chối thẳng, một bệnh viện khác thông báo chỉ nhận các ca có mã sức khỏe cá nhân màu vàng hoặc đỏ.
Sản phụ cùng chồng và cả cảnh sát - những người chở cô đến bệnh viện - đã gọi điện cho các bệnh viện, trung tâm cấp cứu khác cũng như đường dây nóng của chính quyền nhưng đều không có phản hồi, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Phải đến chiều hôm đó mới có bệnh viện nhận thai phụ, chỉ sau khi cô có giấy xét nghiệm âm tính nhưng đứa con trong bụng đã ra đi từ trước.
"Tôi chảy máu không ngừng, toàn thân run rẩy và rơi nước mắt vì uất ức, bất lực. Bác sĩ hỏi tại sao tôi đến trễ như vậy, tôi sốc đến không nói được lời nào nữa", thai phụ họ Wang viết.
Trong cuộc họp báo ngày 5-1, chính quyền Tây An phải lên tiếng giải thích, đồng thời yêu cầu các bệnh viện không được lấy lý do phòng chống dịch để từ chối điều trị cho bệnh nhân, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Tờ báo của chính quyền Trung Quốc cho biết sau hai sự cố đau lòng trên, chính quyền yêu cầu các bệnh viện phải có "luồng xanh" để tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch và nặng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, hóa trị và xạ trị cũng như phụ nữ đang mang thai hoặc sắp sinh.
Ủy ban y tế địa phương đã mở một cuộc điều tra sự việc xảy ra vào ngày 1-1. Hội bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em Thiểm Tây cũng vào cuộc, theo Thời báo Hoàn Cầu.
TTO - Chỉ vài ca COVID-19, thành phố Thụy Lệ đã bị phong tỏa gần 200 ngày trong năm 2021. Báo chí địa phương cho biết một em bé tập đi ở Thụy Lệ bị xét nghiệm hơn 70 lần để kiểm tra COVID-19.