Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo ngành thuỷ sản năm 2022. Theo đó, ngành thuỷ sản sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực nhưng việc định giá lại sẽ là một thách thức với sự không chắc chắn về các biến thể mới của Covid-19.
Ngành thuỷ sản phía Nam gặp khó
Theo SSI Research, năm 2021, chuỗi giá trị thủy sản tiếp tục bị gián đoạn, gây tác động tiêu cực đến nguồn cung và logistics của ngành, trong khi nhu cầu đã tăng dần tại các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu do HORECA dần mở cửa trở lại trong năm.
Đặc biệt, các biện pháp giãn cách xã hội ở Việt Nam trong quý III/2021 đã ảnh hưởng đến ngành thủy sản quy mô nhỏ và gây ra tình trạng thiếu lao động cho các công ty. Các nhà sản xuất phải đối mặt với áp lực chi phí lạm phát, bao gồm cả nguyên liệu thô và thức ăn chăn nuôi.
Vượt qua những khó khăn, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 đạt 8 tỷ USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ), trong khi xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ) và kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD (tăng 2,5% so với cùng kỳ). Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,9 tỷ USD (tăng 5,7% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, báo cáo của SSI Research cho thấy không phải doanh nghiệp thủy sản nào cũng đạt lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2021. Theo SSI Research, các công ty xuất khẩu có trụ sở tại miền Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III/2021. Đơn cử như Công ty XNK Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán: ABT) có mức giảm doanh thu sâu nhất, khoảng 12%; Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) giảm doanh thu gần 11%...
Ở chiều ngược lại, CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khóan: VHC) đạt mức tăng trưởng mạnh trong quý I, III/2021 ở cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế do công ty vẫn hoạt động ở công suất cao trong giai đoạn này. Đồng thời, công ty đã thương lượng được nhiều đơn hàng FOB hơn, giúp giảm chi phí vận chuyển.
Theo SSI Research, với sự không chắc chắn về các biến thể mới của dịch Covid-19, kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 vẫn khiêm tốn ở mức 8,73 tấn về sản lượng và 9 tỷ USD về giá trị - không tăng trưởng mạnh so với năm 2021.
SSI Research kỳ vọng năm 2022 sẽ tương tự như năm 2021 ở một số khía cạnh, như nhu cầu tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế, áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao.
"Tuy nhiên, ở điểm thứ ba, chúng tôi thấy rằng giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý II/2022" - SSI Research nêu.
Ngoài thị trường Mỹ, SSI Research kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Do đó, SSI Research dự đoán giá bán bình quân sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi.
SSI Research ước tính VHC đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021/2022 là 25,7%/ 30,1% so với cùng kỳ dựa trên giả định giá bán bình quân cá tra philê tăng 10% trong năm 2022, trong khi mảng wellness và SGC dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu thuần lần lượt là tăng 9% và tăng 10% so với cùng kỳ.
Với FMC, SSI Research ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021/2022 là 18,6%/49% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ từ việc mở rộng công suất gần đây, trong khi giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.
"Do ngành thủy sản đã được định giá lại để phản ánh sự thay đổi trong năm 2021 và động lực tích cực trong năm 2022, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều thách thức để ngành được định giá lại tiếp do những biến động và tính chất chu kỳ vốn có của ngành" - SSI Research nhấn mạnh.