Ngày 5-1, chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines từ Tokyo về Hà Nội phải quay lại Nhật Bản sau khi nhận được cuộc gọi đe dọa sẽ bị bắn khi bay qua vịnh Tokyo - Ảnh minh họa: VNA
Theo ông Đinh Việt Sơn - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sau khi xảy ra việc máy bay của Vietnam Airlines bị dọa bắn khi bay từ Tokyo về Hà Nội, Cục Phòng chống khủng bố và Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) đã triển khai phối hợp phía Nhật Bản để điều tra vụ việc.
Ông Sơn cho biết trong chiều 5-1, sau khi nhận thông tin vụ việc, hai cơ quan trên đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam. Trong ngày 6-1, cơ quan công an Việt Nam sẽ liên hệ với đầu mối phía cảnh sát Nhật Bản để điều tra, xác định nghi phạm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết thêm, việc ứng phó với tình huống đe dọa an ninh hàng không như vụ máy bay Vietnam Airline bị dọa bắn đều được lường trước và xây dựng các kịch bản ứng phó.
Do vậy khi Vietnam Airlines nhận được điện thoại đe dọa, thông tin được hãng báo ngay với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, hãng triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của hãng.
Tiếp nhận thông tin, Cục Hàng không báo cáo ngay bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh - chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, để có hướng xử lý kịp thời theo các phương án đã xây dựng từ trước đó.
Do vậy quy trình xử lý vụ việc rất nhanh. Khi được sự đồng ý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Cục Hàng không chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.
Ông Thắng cho biết thêm khi xử lý tình huống trên, thông tin chuyến bay VN5311 bị đe dọa bắn chỉ được thông báo cho phi công khi yêu cầu quay trở lại hạ cánh xuống sân bay Fukuoka.
Còn với các hành khách trên chuyến bay, tổ bay chỉ thông báo là chuyến bay cần quay lại, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka để kiểm tra kỹ thuật. "Thông tin chuyến bay bị đe dọa không được thông báo cho hành khách nhằm tránh tâm lý bất an, lo sợ với hành khách. Việc thông báo như thế nào cũng có trong quy trình", ông Thắng cho biết.
Theo cục trưởng Đinh Việt Thắng, việc các hãng hàng không bị đe dọa có bom trên chuyến bay, dọa sẽ bị bắn không phải là chuyện hiếm xảy ra với hàng không thế giới. Thậm chí trên chuyến bay kéo dài có những hành khách ngồi lâu bức xúc hoặc hành khách say rượu cũng quậy phá, đe dọa với tiếp viên là có bom trên máy bay…
Các thông tin đe dọa trên đều được báo cáo để cơ quan liên quan đánh giá, ra quyết định xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho mỗi chuyến bay.
Khoảng 11h10 (giờ Tokyo) ngày 5-1, chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được một cuộc điện thoại từ một người giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo".
Thời điểm đó, chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines với 15 thành viên tổ bay cùng 47 hành khách từ Tokyo về Hà Nội đã cất cánh từ sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua vịnh Tokyo.
Được sự đồng ý của Phó thủ tướng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.
Nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka đã lên máy bay kiểm tra, phỏng vấn tổ bay và hành khách... Máy bay được phép được đỗ tại sân bay Fukuoka khoảng 2 giờ để xem xét, đánh giá thông tin, cũng như sự an toàn của chuyến bay.
Đến 18h12 (giờ Việt Nam) tối 5-1, chuyến bay VN5311 hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài.
TTO - Do cuộc gọi đe dọa bị bắn khi qua vịnh Tokyo nên chuyến bay số hiệu VN5311 từ Tokyo về Hà Nội phải quay lại Nhật Bản sau 40 phút cất cánh. Sau 2 giờ kiểm tra, chuyến bay khởi hành về Hà Nội an toàn vào chiều 5-1.