Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm, phẫn nộ trước sự việc bé V.A. (8 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bị nhân tình của cha ruột bạo hành dã man đến qua đời. Theo thông tin mới nhất, cơ quan chức năng đã bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với người "mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995) về tội "Giết người", Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, cha ruột bé V.A.) về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm".
Nhưng nếu không xảy ra tình huống xấu nhất là tử vong, bé V.A. cũng như nhiều trẻ em bị cha mẹ ruột bạo hành kéo dài khác có thể đã chịu đựng những nỗi đau khổ, dày vò khủng khiếp khác.
"Mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang khiến dư luận sục sôi thời gian vừa qua bị khởi tố tội "Giết người"
Điều gì sẽ xảy ra khi một đứa trẻ bị bạo hành kéo dài?
Bác sĩ CK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP.HCM) cho biết, khi một đứa trẻ bị bạo hành nhưng không có đủ bản lĩnh để phản kháng lại sẽ giống như một cái lò xo, dễ bị dồn nén. Đơn cử như hễ nói ra điều gì là bị người lớn la rầy, áp đặt hoặc đánh.
Bác sĩ Trần Minh Khuyên
Ban đầu, đứa trẻ sẽ bị stress. Nếu chỉ bị stress cấp (1-2 lần), cơ chế của cơ thể sẽ giúp trẻ tự mình vượt qua được. Ngược lại nếu bị bạo hành kéo dài, việc stress xảy ra liên tục thì sẽ thành mãn tính, trở thành vết hằn trong ký ức .
Theo bác sĩ Khuyên, về mặt khoa học, khi cơ thể phản ứng để chống lại stress sẽ tiết ra adrenalin, corticoid giúp tim đập nhanh, tập trung chú ý. Những chất này sẽ trở lại trạng thái bình thường khi tinh thần lắng dịu.
Nhưng nếu trình trạng stress cứ tiếp nối nhau, khiến adrenalin, corticoid cứ tăng liên tục sẽ gây ức chế serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc), khiến trẻ rơi vào trạng thái "rối loạn lo âu" hoặc "rối loạn hoảng sợ".
Nếu bị hội chứng rối loạn lo âu, trẻ có thể mắc bệnh lý về "tâm thể", sau một thời gian sẽ gây ảnh hưởng lên cơ thể, khiến đêm ngủ không sâu, hay nằm mơ, giật mình. Hoặc có thể la hét trong cơn mơ và làm tăng tiết axit dạ dày, gây trào ngược dạ dày hoặc rối loạn tiêu hoá, tạo ra trạng thái bồn chồn, bất an.
Với rối loạn hoảng sợ, trẻ sẽ sợ gặp mọi người, sợ bị ăn hiếp hoặc tấn công như việc mình từng bị bạo hành, từ đó nảy sinh hành vi thu rút người lại, ảnh hưởng việc học tập, sinh hoạt bình thường.
Nặng hơn, trẻ có thể bị trầm cảm, biểu hiện rõ ở gương mặt lo âu trầm buồn, giảm sở thích, mất tập trung. Nặng nề nhất là việc biến nỗi đau tinh thần thành nỗi đau thể xác như tự lấy dao cắt tay hay tự sát diễn tiến theo các bước từ nhẹ đến nặng: Lên ý tưởng, lập kế hoạch thực hiện và trực tiếp thực hiện.
Đến lúc không còn còn chịu đựng được nữa, trẻ sẽ giống như như chiếc lò xo bung ra và phát bệnh, sang chấn tâm lý. Khi không thể đối đầu với người lớn, trẻ sẽ có xu hướng đối xử với bạn đồng trang lứa một cách tàn khốc. Tiếp đến, đứa trẻ sẽ hình thành nhân cách "chống đối xã hội", muốn chứng minh bản thân, cái tôi bằng việc gây rối, bất cần, phá vỡ tất cả quy định để giải tỏa những áp bức, dồn nén. Điều này rất nguy hiểm cho xã hội.
Ngoài ra theo chuyên gia, việc bị bạo hành kéo dài sẽ khiến trẻ gặp sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách sau này.
Vì sao người cha đủ nhẫn tâm xoá chứng cứ con bị bạo hành?
Trả lời câu hỏi về việc có những nguyên nhân nào ở góc độ tâm lý, tâm thần học khiến một người cha đủ nhẫn tâm xóa chứng cứ ghi lại cảnh con gái ruột bị hại, bác sĩ Khuyên cho biết, với những người đàn ông là trụ cột gia đình, thông thường sẽ có nhiều áp lực công việc, cuộc sống làm cho tinh thần mệt mỏi, ức chế…
Ở bên ngoài, họ liên tục kiềm chế lại mà không được bộc lộ, nên khi về nhà lại chọn cách trút giận, đánh thẳng tay lên người con cái để xả hết những bực bội. Việc này lâu dần sẽ thành thói quen và đến một lúc nào đó, người ta sẽ thôi nghĩ đó là hành vi sai trái.
Hành động xóa camera chưa biết để bao che cho người "mẹ kế" hay để bảo vệ chính bản thân, nhưng nó chứng tỏ người cha đủ nhận thức mình là đồng phạm.
Với những người đã ly hôn, việc bạo hành con cái cũng là tấm gương phản chiếu hình ảnh của sự đổ vỡ hôn nhân. Thông thường, khi người ta thấy con của mình bị đánh thì cho dù là bất cứ ai cũng không chấp nhận được. Nhiều trường hợp trước khi muốn tái hôn sẽ hỏi ý kiến của con cái. Nếu con không đồng ý sẵn sàng ở vậy nuôi con chứ không lập gia đình nữa.
Ngược lại, cũng có những trường hợp người cha đang bị stress, khi thấy mẹ kế, người tình đánh con vẫn đồng thuận mà không có ý kiến gì. Người mẹ kế dần dần cứ lấn tới và dẫn đến những hậu quả nặng nề, mà trường hợp bé gái ở TP.HCM là một ví dụ đau lòng.
BS Khuyên cho rằng, với hành vi xoá camera để che giấu chứng con bị bạo hành, người cha có thể đã chứng kiến nhiều lần việc người tình đánh con, nhận thức được công an khi có trong tay đoạn clip từ camera sẽ biết đứa trẻ bị đánh. Hành động xóa camera chưa biết để bao che cho người "mẹ kế" hay để bảo vệ chính bản thân, nhưng nó chứng tỏ người cha đủ nhận thức mình là đồng phạm.
https://afamily.vn/tu-vu-be-gai-8-tuoi-o-tphcm-neu-khong-mat-mang-dieu-gi-se-xay-ra-voi-mot-dua-tre-bi-cha-me-bao-hanh-keo-dai-20220106115746957.chnTheo THIÊN KIM
PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC