Nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Hồi sức COVID TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cả 5 ca mới ghi nhận này đều là người nhập cảnh trong tháng 12-2021. Những người này đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi có kết quả dương tính với COVID-19, những người này được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12. Mẫu xét nghiệm được làm giải trình tự gene và có kết quả là nhiễm biến chủng Omicron.
TP đã tiến hành các biện pháp điều tra, truy vết gồm tổ bay và hành khách đi cùng chuyến bay, nhân viên phục vụ tại khu cách ly. 223 người liên quan đến 5 ca này hiện có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Trước 5 ca nhiễm biến chủng mới này, TP.HCM đã ghi nhận 6 người nhiễm biến thể Omicron. Cả 6 người này cũng đều là các ca nhập cảnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 1-1-2022, khi quy định cách ly người nhập cảnh đã thay đổi, để đảm bảo kiểm soát người nhập cảnh trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, TP.HCM đã triển khai xét nghiệm COVID-19 ngay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Cần oxy cho điều trị, có thể áp dụng hạn chế hoặc tạm ngừng xuất khẩu oxy
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về giải pháp cung ứng oxy phục vụ người bệnh COVID-19. Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về cung ứng và điều phối oxy cho bệnh nhân.
Trường hợp cần oxy cho điều trị, Bộ Công thương có thể quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu oxy theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo và tạo điều kiện vận chuyển oxy cho y tế thuận lợi nhất, đảm bảo an toàn và đáp ứng oxy cho điều trị.
Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ sớm nghiên cứu và đề xuất cơ chế hỗ trợ giá oxy với cơ sở sản xuất, vận chuyển và sử dụng oxy trong tình huống cấp bách.
Trước đó, cả Bộ Y tế và TP.HCM đều cho biết đang thiếu oxy y tế cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài TP.HCM, khu vực Tây Nam Bộ cũng thiếu oxy ở một số khu vực.
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thời điểm phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Thủ tướng đánh giá cao TP.HCM mở lại các hoạt động khi số mắc, chuyển nặng và tử vong giảm sâu
Số ca mắc mới tại TP.HCM liên tục giảm trong những ngày gần đây, ngày 6-1 là 442 ca, 5-1 là 448 ca, 4-1 là 664 ca, 3-1 là 662 ca, 2-1 là 384 ca, nhiều ngày nằm ngoài top 10 địa phương có số mắc cao, trong khi từ giữa tháng 12-2021 trở về trước, số ca mắc tại TP.HCM luôn trên 1.000 ca và nhiều hơn, liên tục đứng đầu cả nước về số mắc, số chuyển nặng và tử vong.
Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP.HCM cũng giảm mạnh, ngày 6-1 ngoại trừ 3 ca ở Đồng Nai, Đồng Tháp và Tây Ninh chuyển đến thì còn 18 ca, là thấp nhất trong nhiều ngày trở lại đây.
Tại thông cáo báo chí về cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính "hoan nghênh TP.HCM đã mạnh dạn mở lại các hoạt động kinh tế - xã hội khi số ca mắc, tăng nặng và đặc biệt là số ca tử vong giảm rất sâu".
Thủ tướng nhấn mạnh phòng chống dịch phải an toàn, linh hoạt, hiệu quả mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vắc xin là rất quan trọng.
"Muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải thực hiện nhanh tiến trình vắc xin, khi bao phủ được vắc xin, các loại thuốc điều trị được cấp phép, cộng với ý thức người dân, chúng ta sẽ yên tâm mở cửa" - Thủ tướng cho biết.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11-2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người nhà F0 ở TP.HCM có thể nhận thuốc, bổ sung Favipiravir vào toa thuốc
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).
Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng virus trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị.
Trong trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở điều trị, hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus đã được cấp phát, ghi rõ thông tin sử dụng thuốc vào phiếu chuyển viện hoặc thông báo cho cơ sở tiếp nhận biết để tiếp tục theo dõi.
Việc cấp phát thuốc điều trị COVID-19 có thể cấp tại nhà hoặc người nhà F0 liên hệ trạm y tế, trạm y tế lưu động để nhận thuốc.
Các thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cũng gồm 3 gói A, B và C. Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế.
Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói thuốc B) trước khi chuyển viện.
Nhân viên y tế quận Sơn Trà đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: LÊ THÚY
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Chiều tối 6-1, Hà Nội ghi nhận 2.716 ca COVID-19 mới. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hà Nội có trên 2.000 ca COVID-19. Trong đó có 720 ca cộng đồng. Một số quận huyện số ca nhiều trong ngày như: Đống Đa (180); Hai Bà Trưng (130); Thanh Trì (128); Hoàng Mai (108); Hà Đông (103). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 62.631 ca.
- Ngày 6-1, Sơn La phát hiện thêm 117 ca COVID-19 tại các huyện: Mường La, Thuận Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La, Sông Mã, Phù Yên, Yên Châu. Từ ngày 5-10-2021 đến ngày 6-1, tỉnh có 1.570 ca COVID-19. Hiện toàn tỉnh có 7.079 người đang trong diện theo dõi, cách ly.
- Thái Bình, trong ngày 5-1 ghi nhận 148 F0 mới. Đây là số mắc COVID-19 mới trong một ngày cao nhất từ trước tới nay. Trong đó có 55 ca cộng đồng. Tính từ 10-11-2021 đến nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận 2.938 ca COVID-19 .
- Nghệ An ghi nhận 8.537 ca COVID-19. Trong đó, TP Vinh: 1.221, Quỳnh Lưu: 754, Nghi Lộc: 586, Yên Thành: 561, Quỳ Châu: 522… Số người khỏi bệnh là 7.232, tử vong: 35 người, hiện đang điều trị: 1.270 người.
- Quảng Bình từ 6h ngày 5-1 đến 6h ngày 6-1 thêm 54 ca COVID-19, trong đó có 49 ca cộng đồng. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.088; số ca điều trị khỏi là 3.580, còn 185 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 262 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
- Từ ngày 26-12-2021 - 6-1-2022, tuy số ca dương tính ở Đồng Tháp giảm nhiều nhưng số tử vong trung bình hằng ngày vẫn còn trên 13 ca. Trong 12 ngày qua, Đồng Tháp có 157 bệnh nhân COVID-19 tử vong, đa số từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền.
Hiện tại, toàn tỉnh có 8.464 ca COVID-19 đang điều trị. Trong đó, 193 ca bệnh nặng, 90 ca bệnh rất nặng, 178 ca triệu chứng trung bình và 8.003 ca không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Đồng Tháp có 7.080 ca mắc COVID-19 đang theo dõi, điều trị tại nhà, nơi cư trú.
TTO - Tốc độ lây nhiễm chủng Omicron cao gấp 7 lần ở nhóm chưa tiêm vắc xin và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương ngày 5-1.