Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh - Ảnh: NVCC
Tại sao cái ác vẫn nhiều?
Từ vụ cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM bị hành hạ đến chết, tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), nhà sáng lập Công ty Luật TNHH TNJ - Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết mỗi hành vi bạo hành trẻ em của người lớn đều có ý thức, động cơ thực hiện. Nếu không tìm ra được nguyên nhân ngọn ngành của vấn đề thì không thể có những bài giáo dục cụ thể, phù hợp.
* Bạo hành trẻ em trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ việc hết sức thương tâm, gây bức xúc trong xã hội, mới nhất là vụ cháu bé 8 tuổi tử vong. Theo bà, vì sao luật pháp VN xử rất nghiêm, cũng như có nhiều tổ chức bảo vệ trẻ, nhưng cái ác với trẻ vẫn nhiều?
- Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh: Theo tôi, về luật pháp, VN có đầy đủ các luật bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng việc thực thi không chỉ ở Nhà nước mà còn ở mỗi địa phương, trường học, gia đình, cá nhân phải thực hiện đúng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em. Chủ yếu phát sinh từ ý thức chủ quan của người lớn, trong đó là mâu thuẫn của người lớn trong gia đình. Dù lỗi từ hai phía hay một phía, con trẻ cũng đã có sự tổn thất tinh thần khi thiếu đi sự quan tâm của cha hoặc mẹ. Cần xem xét thấu đáo vấn đề ly hôn liên quan đến quyền nuôi con, không chỉ tài chính mà còn điều kiện giáo dưỡng trẻ em có tốt không.
Bạo hành trẻ em không chỉ là đánh đập, chửi mắng, thể hiện ra bên ngoài mà ngay trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày cũng thể hiện rõ môi trường sống của trẻ có bị áp lực tinh thần không.
* Từng nhiều năm tham gia xét xử với vai trò thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân TP.HCM, vụ án phạm tội với trẻ em khiến bà ám ảnh nhất?
- Tôi từng khóc khi tham gia xét xử một vụ bạo hành trẻ em, một vụ án xảy ra ở miền Tây. Đó là tội bạo hành trẻ nhưng không phải đánh đập, mắng chửi gì cả, mà do nhận thức của người cha không cao.
Người cha đó có hai người con trai (10 tuổi và 8 tuổi), vợ chồng đều làm ruộng để sống. Trưa hôm đó, người mẹ đang ngoài ruộng, cha đi về nhà đã nhậu xỉn xỉn. Hai đứa con đợi mẹ về nấu ăn mà lâu quá, mới bảo là "ba ơi, con đói quá mà chưa có cơm ăn, ba nấu cơm đi ba". Người cha lúc này đang xỉn thì kêu con là rượu đó uống đi, đừng có đòi ăn nữa. Thế là hai cậu con cầm chai rượu nốc, mà ở quê đang chơi nghịch mồ hôi mồ kê thế là uống rượu xong cởi áo nằm lăn ra đất. Người cha thấy con nằm thì nghĩ là nó nóng quá mới cởi trần, nên ông lấy nước lạnh xối lên mình hai đứa nhỏ rồi bỏ đi ngủ. Khi ngủ dậy, ổng thấy hai thằng con đã nằm chết cứng rồi. Kết luận điều tra cho biết hai đứa trẻ bị ngộ độc rượu.
Phiên tòa xét xử kết luận người cha tội giết người. Tôi rất đau lòng!
Một vụ cha mẹ nuôi bạo hành con ở Quảng Ngãi đã bị pháp luật xử lý - Ảnh: TR.MINH
Nhiều vụ bạo hành không được ngăn chặn kịp thời
* Nhiều vụ bạo hành trẻ em không được cơ quan chức năng có thẩm quyền biết, hoặc nhận được phản ánh nhưng khá thờ ơ, cho rằng đó là chuyện dạy dỗ con trẻ bình thường, mời lên xong rồi cho về chứ không xử lý nghiêm tới nơi tới chốn. Đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới vào cuộc khiến người dân không biết kêu cứu với ai. Bà có thấy như vậy?
- Điều này tôi công nhận. Nhiều địa phương tiếp nhận thông tin bạo hành trẻ em còn thờ ơ, nói chưa xảy ra hậu quả nên chưa xử được, chính vì vậy để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Thậm chí nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em như tội dâm ô nhưng không khởi tố được, do chưa để lại hậu quả hoặc không có chứng cứ rõ ràng... nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải rất thận trọng.
Đó là sự lấn cấn về vấn đề chứng cứ nên chưa thể giải quyết ngay. Nhưng có những cái tương đối nên không xử lý được, khúc mắc này cũng làm đau đầu nhà làm luật và bảo vệ pháp luật. Biện pháp trước mắt là gia đình cần báo cơ quan chức năng để theo dõi bắt quả tang nhằm hạn chế vấn đề này.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn muốn làm tốt vai trò của mình, thậm chí có tòa án vị thành niên để bảo vệ trẻ em phạm tội, để không ảnh hưởng đời sống sau này của các em. Các vụ án bạo hành trẻ em có thể tồn tại một vài trường hợp như truy tố chưa đúng người đúng tội, bản án quyết định mức án chưa đúng dẫn tới tính giáo dục răn đe chưa cao, nhưng đó chỉ là thiểu số.
Luật pháp VN rất đầy đủ và nghiêm minh để bảo vệ quyền trẻ em. Cái chính vẫn là giáo dục, nếu giáo dục nhận thức tốt sẽ hạn chế rất nhiều các vụ bạo hành trẻ em, bạo hành gia đình. Còn về nhà lập pháp, bảo vệ pháp luật đã làm rất tốt, các tội liên quan đến trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em bị xử mức án rất cao, ngang với tội giết người.
Đã có nhiều văn bản, quy định cụ thể về luật trẻ em. Tuy nhiên phải thừa nhận một số nơi làm theo luật còn yếu. Cần có thêm quy định ràng buộc trách nhiệm về những người thực thi pháp luật tiếp nhận nhưng không xử lý thông tin kịp thời.
* Quan điểm giải pháp của bà như thế nào về cách bảo vệ trẻ em? Và làm sao để trẻ biết cách tự cứu mình?
- Biện pháp tốt và hữu hiệu nhất chính là giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Luật đã có đầy đủ nhưng cái cốt lõi nhất là giáo dục thì chưa được chú trọng. Pháp luật trừng trị chỉ giải quyết hậu quả, còn giáo dục mới quan trọng, nó giúp hình thành ý thức con người. Các tổ chức xã hội như Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội phụ nữ... cần phối hợp để người lớn thay đổi cách giáo dục không thể "thương cho roi cho vọt" như quan niệm trước đây.
Việc giáo dục ý thức giúp cha mẹ hiểu con, làm bạn và giúp con trưởng thành tốt. Người lớn nhiều khi thương con, muốn bảo vệ nhưng không biết làm sao, không phải ai cũng nhận thức được quyền hạn hay trách nhiệm của mình. Do đó, cần phải có biện pháp giáo dục tốt ý thức công dân về hôn nhân gia đình, quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ, quyền và nghĩa vụ công dân đối với cộng đồng xã hội về bảo vệ quyền trẻ em. Phương pháp giáo dục tốt là cần kết hợp các phương pháp về tâm lý con người, tâm lý tội phạm, tâm lý người làm cha mẹ, tâm lý trẻ em để mọi người cùng hiểu nhau, quan tâm đến nhau thì mới giảm thiểu được tội phạm đối với trẻ em.
Về cách giúp trẻ biết bảo vệ bản thân, theo tôi các trường học cần phải đưa những bài giáo dục ý thức tự bảo vệ mình cho trẻ em, trong đó chỉ ra các trường hợp, ví dụ bị đánh đập hành hạ, bị dụ dỗ để bắt cóc, xâm hại tình dục. Trong gia đình cha mẹ dạy con thì chỉ một đứa bé đó biết, nhưng ở trường có thể nhiều đứa trẻ cùng nghe, đứa này nhắc đứa kia. Địa phương lâu lâu cũng nên tổ chức tuyên truyền, phong trào mang tính vừa học vừa chơi gắn vào trong cuộc sống để phổ biến cho trẻ với từng trường hợp cụ thể.
Giáo dục cho trẻ em quan trọng lắm, nó là biện pháp phòng ngừa chung cho xã hội, đừng để hậu quả xảy ra mới đi giải quyết. Trẻ khi bị bạo hành, khủng bố tinh thần thường im lặng và sợ hãi, nhưng nếu được giáo dục, các em sẽ hiểu đến một lúc nào đó nếu im lặng để hậu quả xảy ra, bản thân mình sẽ không tự cứu được mình nữa.
Cần dạy cho trẻ biết cách ứng phó
"Tôi hoàn toàn đồng tình ý kiến trường học và địa phương nên nhanh chóng tăng cường giáo dục cho trẻ em, đối tượng yếu thế có thể bị bạo hành, biết rõ các quyền của mình và đặc biệt là cách ứng phó khi bị bạo hành. Chẳng hạn như ở nhiều nước, trẻ bị vấn đề gì luôn gọi đến số dễ biết dễ nhớ nhất là cảnh sát. Làm sao có thể chấp nhận được trẻ cứ bị đòn roi nguy hiểm hoài mà không dám gọi cho ai hay không biết gọi cho ai" - bà Nguyễn Minh Tâm, quận Bình Tân, TP.HCM.
TTO - Sự kiện bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết làm chấn động nhân tâm khiến những ngày tất niên - tân niên sau một năm đầy biến động tiếp tục không yên ả.