Mới đây công ty chứng khoán SSI công bố báo cáo phân tích về triển vọng ngành ngân hàng năm 2022. Theo đó triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành này sẽ có khác biệt giữa hai nửa đầu năm và cuối năm 2022.
Theo ước tính của SSI, tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2022 trung bình của các ngân hàng là 21%. Ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance và/ hoặc thoái vốn công ty con của các ngân hàng.
Các ngân hàng TMCP tư nhân ước tính đạt tăng trưởng LNTT ở mức 22% cao hơn so với ngân hàng TMCP quốc doanh (19%), do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn. Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn do mốc so sánh cao trong 6 tháng đầu năm 2021. Tăng trưởng ước tính mạnh hơn bắt đầu từ quý 2 đối với Vietinbank, MBBank, Vietcombank và từ quý 3/2022 đối với các ngân hàng khác.
3 yếu tố then chốt hỗ trợ cho tăng trưởng lạc quan của ngành ngân hàng được SSI chỉ ra bao gồm:
Tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và triển vọng tươi sáng từ các dịch vụ thu phí
Theo SSI, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu. Nhu cầu tín dụng (đặc biệt là từ các khách hàng doanh nghiệp) khá mạnh trong quý 4/2021, khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Công ty chứng khoán này ước tính tổng tín dụng tăng ròng khoảng 450 nghìn tỷ đồng riêng trong Q4/2021 (so với 724 nghìn tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2021). Chúng tôi ước tính đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong 2022. Nhu cầu vay cũng lan toả đến mảng bán lẻ cùng với đà hồi phục của nền kinh tế.
Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn các ngân hàng như Tpbank, VpBank tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021. Các ngân hàng khác như BIDV, Vietcombank, Oceanbank,...cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022.
SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn.
NIM kỳ vọng ổn định dù lãi suất huy động có nhích lên
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước NHNN sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022, với lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (CPI năm 2022 là 4%). Ước tính lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20-25 bps trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng Cấp 3 vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và tệp khách hàng gửi tiền yếu hơn nhiều.
Mặc dù xu hướng lãi suất huy động có sự đảo ngược, SSI cho rằng rằng NIM có thể vẫn ổn định trong do: Chi phí phát hành trái phiếu và giấy tờ có hạn của các ngân hàng thấp hơn. Các ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng hệ số LDR từ mức hiện tại là 80,9% tại các NHTMNN và 70,6% tại NHTMCP. Ngoài ra NHNN Có thể lùi thời gian siết tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn (tỷ lệ MLTL). Gói cứu trợ Covid hết hiệu lực. Các khoản lãi dự thu theo dõi ngoại bảng liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu có thể quay trở lại báo cáo tài chính.
Các dịch vụ tính phí tăng mạnh từ cả dịch vụ thanh toán và hoạt động bancassurance
Thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Trong khi đó, thị trường bancassurance dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Năm 2021, MSB đã ký kết thành công hợp đồng độc quyền với Prudential và STB đã đàm phán lại hợp đồng độc quyền với Daiichi Life. Sang năm 2022, SSI ước tính Vietinbank sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife, trong khi Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. HDB và LPB sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới. Ước tính hoa hồng bancassurance trên tổng NFI sẽ tăng trong năm tới (từ mức trung bình hiện tại là 15%).
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị