Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.
Cuối phiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được mời phát biểuđể giải trình về một số nội dung trong chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chống lợi ích nhóm và xin - cho
Là cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là chương trình chưa từng có tiền lệ. Ông cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu rất bài bản dựa trên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân.
“Chúng ta sẽ hỗ trợ cả chiều cung và cầu, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có thể giải ngân được ngay, tránh dàn trải. Tinh thần triển khai phải nhanh, quyết liệt, đảm bảo tính công bằng, hài hòa”, ông nhấn mạnh.
Theo nội dung được giải trình trong thời gian 10 phút, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô tổng thể và phương thức huy động trong Chương trình đã được Chính phủ nghiên cứu về cả khó khăn sản xuất của doanh nghiệp, người dân, cũng như nghiên cứu nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động và hấp thụ của nền kinh tế.
“Do đó, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội có quy mô phù hợp, đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện rõ ràng”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, để có nguồn lực triển khai, Chính phủ sẽ tiết kiệm khoản chi, phấn đấu tăng thu, có lộ trình giảm thuế phù hợp, chống thất thu. Sau đó, Chính phủ mới tính đến huy động vay và vay bên ngoài, bên cạnh đó, lộ trình huy động và giải ngân cũng đã được tính toán. Riêng trong năm 2022 có thể giải ngân được khoảng 42% tổng số vốn, còn lại giải ngân trong năm 2023.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến thách thức trong khâu tổ chức thực hiện. Ông nói đây là nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề với hệ thống chính trị, cần nỗ lực rất lớn. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các ĐBQH phát huy vai trò, giám sát các chính sách tài khóa và tiền tệ ngay tại địa phương mình.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ huy động ngay từ đầu Kiểm toán Nhà nước để chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội. Ông nhấn mạnh, việc triển khai sẽ nâng cao tính công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và xin - cho.
“Chính phủ cũng đã nhận diện các giải pháp và rủi ro, nhất là áp lực lạm phát. Do đó, Chính phủ sẽ theo dõi thường xuyên diễn biến và có giải pháp kịp thời”, Bộ trưởng khẳng định.
Giảm thuế sẽ gấp 3 lần mức của năm 2021
Được mời giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến số giảm thuế sẽ vào khoảng 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021.
Giải trình về mức giảm thuế VAT 2%, chứ không phải ở mức cao hơn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mức giảm thuế 2% cho các mức thu 10% là phù hợp, khi Chính phủ đề xuất không giảm thuế cho các ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Khoản này ước tính giảm khoảng 4.400 tỷ đồng.
Ông cũng đưa ra giải thích về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT. Theo đó, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi đó, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng.
Về thu thuế trên các nền tảng số, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường thu và tránh thất thu. Với doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài sẽ thu theo quy định hiện hành của pháp luật.
Về ý kiến của các đại biểu về mức tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán và mặt hàng hạn chế tiêu dùng, ông cho biết, hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1%/doanh thu bán, với bất động sản thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua - bán.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, thị trường chứng khoán đang tốt, năm 2020 đã huy động được 7,7 triệu tỷ đồng, tương đương 92% GDP năm 2021, đây là mức kỷ lục.
“Chúng tôi đề nghị giữ nguyên các mức đánh thuế này, có siết thì siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế”, Bộ trưởng nêu rõ.
Vận động ngân hàng miễn giảm lãi vay và phí
Theo nội dung giải trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dư địa chính sách tiền tệ trong Chương trình phục hồi kinh tế này là ít, chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa.
Vì vậy, khi đưa tiền ra theo chính sách tài khóa, cần đảm bảo linh hoạt chính sách tiền tệ, theo sát diễn biến của thị trường chính sách tiền tệ trong nước. Mục tiêu là đảm bảo chương trình thực hiện thành công.
Về việc giảm lãi suất, bà Hồng cho biết hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất. Năm 2021 giảm mặt bằng chung khoảng 0,8%, năm 2020 giảm 1%. Ngân hàng Nhà nước cũng vận động miễn giảm lãi vay và phí, số tiền giảm đã lên đến gần 40.000 tỷ đồng.
Giải thích về việc tại sao lại là “vận động”, bà Hồng nhấn mạnh theo quy định thì Ngân hàng Nhà nước không thể bắt buộc các ngân hàng thương mại giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Có tổ chức tín dụng có cổ đông là người nước ngoài.
Chia sẻ thêm, bà cho biết, hiện tại lạm phát thế giới có xu hướng gia tăng, các nước đã có động thái thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ sắp tới gặp những thách thức lớn, đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động.