Đây là lần đầu tiên triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, thu hút các đơn vị trong và ngoài nước.
Qua đó, nhằm truyền tải thông điệp về bản sắc kiến trúc Việt Nam, giải pháp quản lý và phát triển đô thị bền vững; thể hiện khả năng thích ứng cao với công nghệ, chuyển đổi số; tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Nghị - bộ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết kiến trúc là một loại hình nghệ thuật khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội.
Kiến trúc thể hiện giá trị tư tưởng của bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng và có nhiều chủ trương, định hướng chính sách và phát triển kiến trúc Việt Nam có bản sắc, tiến bộ, hội nhập quốc tế.
Kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện tiêu chí "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" và phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được những thành tựu, ngày càng nhiều tác phẩm kiến trúc được giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, kiến trúc Việt Nam còn những tồn tại, bất cập cần được khắc phục. Nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá; còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển. Đô thị thiếu các không gian xanh, không gian cộng đồng, không gian mặt nước và chưa thật sự có bản sắc riêng.
"Kiến trúc Việt Nam cần bảo tồn và kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả", ông Nghị cho biết thêm.
Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đề xuất hai biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam để đưa vào tất cả chùa thuộc các hệ phái khác nhau trên cả nước.