Ngày 7-1, trong phần thảo luận về dự thảo một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ, đa số đại biểu (ĐB) nhất trí cho là cần thiết, phù hợp với nghị quyết của Đảng tạo thêm nguồn động lực và điều kiện xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển cả vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, các ĐB cũng góp ý thêm về quy hoạch phát triển vùng, môi trường... đặc biệt là thí điểm hai chính sách đặc thù cho Cần Thơ là nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng nạo vét luồng Định An là một bước đột phá, phù hợp thực tế với Cần Thơ, là chiến lược thu hút đầu tư quan trọng, bảo đảm lưu thông hàng hải, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.
Bà lưu ý là khi triển khai sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm về việc đổi cát lấy luồng. Vì thế Chính phủ cần có cơ chế giám sát cộng đồng chặt chẽ, tránh nảy sinh những bất cập, kẽ hở trong khai thác cát trái phép ngoài dự án, quá độ sâu thiết kế hay sa tặc trá hình.
Theo đó, việc nạo vét phải kết hợp chống sạt lở, lấn biển để trồng rừng, nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và tăng cường liên kết của địa phương trong vùng và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu quy hoạch đến nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.
Về trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, đây là lời giải cho bài toán khó không chỉ cho Cần Thơ mà cho toàn vùng. Nó là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, khắc phục dần tình trạng biệt lập trong thực thi chính sách ở từng địa phương.
Bà cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt và thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực của toàn vùng.
Còn bà Trần Thị Hoa Ry (ĐB tỉnh Bạc Liêu) cho rằng việc phát triển dịch vụ logistic bằng đường hàng hải ở Cần Thơ cần phải quan tâm thêm đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ và cần có cơ chế đặc thù liên quan đến quy hoạch tổng thể kết nối hạ tầng cũng như xây dựng hạ tầng kho bãi.
Giải trình thêm các ý kiến, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ chế, chính sách đặc thù được xác định không chỉ xây dựng cho Cần Thơ mà có ý nghĩa phát triển kinh tế cho toàn vùng ĐBSCL.
Các cơ chế, chính sách được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch cả vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm nguyên tắc thuận thiên và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng.
“Chính phủ sẽ cố gắng phát huy được tốt nhất chính sách mà Quốc hội cho Cần Thơ áp dụng, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất cho Cần Thơ và cả vùng” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.