Ông Lâm Đình Thắng báo cáo tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Tham luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 8-1, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho biết qua dịch COVID-19, các cấp lãnh đạo đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đây là bước chuyển mình quan trọng có vai trò cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP.
Hỗ trợ 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh
Chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh năm 2022 sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp. Một trong số đó là phát triển hạ tầng số và công tác đảm bảo an toàn thông tin. Theo ông Thắng, đây là nhóm nhiệm vụ có giá trị quyết định và làm nền tảng cho các giải pháp công nghệ.
TP cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, phòng chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin.
Đặc biệt phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng băng rộng di động 4G, 5G và cáp quang tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ.
Theo ông, trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận người dân vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. TP hiện có hơn 144.000 người nghèo, nhiều khả năng một số người không nhỏ không có điện thoại thông minh.
"Do đó cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để vừa không để ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển thần tốc của chuyển đổi số, vừa tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số", ông Thắng nói.
Sở Thông tin và truyền thông TP sẽ phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội rà soát, hỗ trợ 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.
Năm 2022, TP.HCM phải thu ngân sách 386.568 tỉ đồng
Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Hà - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cho biết sau 2 năm chịu ảnh hưởng của COVID-19 đã làm hao hụt các nguồn lực tích lũy sau nhiều năm. Tuy nhiên, trong năm 2021 tổng thu ngân sách nhà nước của TP đạt 381.531 tỉ đồng, đạt 104,5% dự toán năm.
Năm 2022, TP.HCM phải thu ngân sách 386.568 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 24,8% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Để đạt được mục tiêu này, giám đốc Sở Tài chính đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có chống gian lận thuế, trốn thuế, gian lận thương mại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết năm 2022 sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế, đứt gãy vừa qua, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM.
Trong đó, Sở Công thương sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động của ngành như triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường…
Đối với hoạt động các khu công nghiệp, ông Vũ cho rằng TP.HCM cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, đầu tư các khu công nghiệp y tế, những lĩnh vực mà TP.HCM có lợi thế và triển khai mô hình kinh tế số…
9 nhóm giải pháp
Chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh năm 2022 gồm 9 nhóm giải pháp:
- Tổ chức lại cơ chế chỉ đạo điều hành và hình thành các chính sách nền tảng, đòn bẩy.
- Tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp với những mục tiêu cao.
- Tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung.
- Tăng tốc thực hiện Đề án đô thị thông minh vừa có giải pháp khai thác hiệu quả hiện trạng sẵn có.
- Tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
- Phát triển kinh tế số.
- Chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ, khai thác kho dữ liệu dùng chung trong phòng chống, dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM.
- Phát triển hạ tầng số và công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Thanh toán tiền điện, hóa đơn người dùng không cần phải đến trực tiếp điểm giao dịch mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh bởi ngành điện Đắk Lắk đang dần chuyển đổi số...