Nông nghiệp là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA, nhưng do năng lực sản xuất, chế biến, doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế này.
Lợi thế của Hiệp định EVFTA còn lớn hơn CPTPP
Châu Âu (EU) đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu nông sản có tốc độ phát triển mạnh sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8.2020.
Theo TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đối với Việt Nam, thậm chí được đánh giá là các cam kết đều ở mức cao, vượt qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, cũng như xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
"Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Hiệp định được ký kết trong giai đoạn nông nghiệp nước ta đang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản. EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và thâm nhập vào một thị trường đầy tiềm năng với hơn nửa tỉ dân, có sức mua lớn" - TS Ngô Xuân Nam cho biết.
Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào EU là thủy sản, gạo, các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với mặt hàng thủy sản, khoảng một nửa số dòng thuế tương đương với 840 dòng thuế, phần lớn ở mức từ 6%-22% sẽ về mức 0%. Một nửa số dòng thuế còn lại đang ở mức từ 5-26% sẽ về 0% sau khoảng thời gian 3-7 năm. Mặt hàng gạo vốn không phải là mặt hàng chủ chốt xuất sang EU nhưng có kim ngạch xuất khẩu tăng đều trong những năm gần đây cho thấy, EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, thông qua chuỗi sản xuất khép kín từ khâu giống đến khâu chế biến, năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời sẽ xuất khẩu lô hàng trên 4.000 tấn gồm gạo thơm và gạo trắng vào thị trường Châu Âu trong năm nay.
Trước đó, từ tháng 9.2020, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thi hành, Lộc Trời là doanh nghiệp vinh dự được Bộ NNPTNT lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên vào thị trường EU theo hiệp định này và trong hơn 1 năm qua, Lộc Trời đã liên tục phát triển thị trường EU. Trong năm 2021, Lộc Trời đã có thêm các đối tác mới tại Thuỵ Điển và Đức.
Trung An cũng là doanh nghiệp đủ năng lực xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU với mức giá hấp dẫn, nâng tầm giá trị gạo Việt tại thị trường này.
Vì sao doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế mà EVFTA mang lại?
TS Ngô Xuân Nam cũng tỏ ý tiếc khi các doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết mọi lợi thế mà EVFTA mang lại. Ông Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang EU chưa đạt kỳ vọng, bắt nguồn từ các vấn đề như, trình độ công nghệ của Việt Nam còn yếu; EU là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, duy trì hàng rào bảo hộ khá nghiêm ngặt dựa trên các nghiên cứu khoa học chặt chẽ; công tác phân phối hàng hóa chưa hợp lý, chưa tận dụng hết được các lợi thế trong vận tải và logistic hàng hoá...
"EU vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và điều đáng nói là các doanh nghiệp trong nước còn thiếu hiểu biết về thị trường EU, đặc biệt là các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS)” - TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Từ những yêu cầu chặt chẽ về quy tắc xuất xứ của EU như đã nói ở trên, trong khi hơn 70% nguồn nguyên liệu Việt Nam phải nhập khẩu thì việc tìm ra giải pháp cho vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định EVFTA là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Hơn nữa, các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, an toàn thực phẩm của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.
"Trên thực tế, hàng nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU" - TS Ngô Xuân Nam thẳng thắn chỉ rõ.
Xem thêm: odl.649299-ihp-ob-noc-gnuhn-atfve-ut-tahn-ueihn-iol-gnouh-coud-peihgn-gnon/et-hnik/nv.gnodoal