Việt Nam hiện đang là một trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới. Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc lá mới đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ, nhưng chính sách quản lí lại đang bị bỏ ngỏ.
Đây là thông tin được đưa trong buổi tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới – Cần góc nhìn mới” vừa diễn ra ở Hà Nội.
Theo đó, các loại thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau dù chưa được phép thương mại, nhưng được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc nhập khẩu theo đường xách tay. Điều này đã khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lí.
Về vấn đề trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, Việt Nam đang quản lí các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ban hành 2012. Vào thời điểm ban hành Luật, chưa có TLTHM tại thị trường trong nước, nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.
Một số quốc gia trên thế giới như như: Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... công nhận TLTHM không an toàn và không dùng để cai thuốc lá điếu. Nhưng những nước này vẫn đưa vào quản lí và khuyến khích các giải pháp thay thế hơn là để người hút thuốc tiếp tục với thuốc lá điếu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công nhận là sản phẩm gây hại nhất.
Việc thiếu chính sách quản lí thuốc lá thế hệ mới đã và đang gây ra những tổn thất, phương hại về mặt kinh tế và xã hội. Ảnh minh họa
Ông Vũ Đức Nam, Phó Phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu quản lí TLTHM là cần thiết và nhiệm vụ này cũng đã kéo dài trong nhiều năm qua, do vậy cần sớm có câu trả lời cho Chính phủ cũng như mong mỏi của cộng đồng.
Hiện Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lí riêng đối với các loại hình TLTHM, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Cụ thể, trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9-2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng- sản phẩm TLTHM có thành phần là thuốc lá.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy Ban thường vụ Quốc hội cho rằng, một số chính sách quản lí phù hợp các sản phẩm TLTHM đang bị bỏ ngỏ quá lâu, dù cho việc kêu gọi quản lí đã được thực hiện từ cách đây nhiều năm do chính Chính phủ chỉ đạo.
“Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng lại chưa được áp dụng một cách triệt để. Trước những thực tiễn cấp thiết như hiện nay chúng ta cần khẩn trương đưa ra một lộ trình thích hợp để có thể đẩy nhanh tiến trình quản lí.
Việc sớm đưa các sản phẩm TLTHM chịu sự kiểm soát của Chính phủ, chế tài của Luật pháp chính là góp phần chống lại việc bình thường hóa sử dụng mọi loại sản phẩm thuốc lá cũng như ngăn chặn tình trạng phạm tội ngày càng tăng của những tổ chức, cá nhân buôn lậu”- ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, việc thiếu chính sách quản lí đã và đang gây ra những tổn thất, phương hại về mặt kinh tế và xã hội. Chính phủ, các cơ quan quản lí, các chủ thể liên quan và người tiêu dùng nói chung đã chờ đợi một chính sách quản lí đối với TLTHM từ nhiều năm nay.
Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan, ông Nhưỡng mong muốn các đề xuất quản lí trong thời gian tới sẽ sớm có quyết định nhằm đưa các sản phẩm TLTHM vào kiểm soát, góp phần phòng chống và giảm tác hại thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cho người dân, lành mạnh thị trường và tránh thất thu cho Nhà nước.