Bức tranh toàn cảnh nhiều gam màu sáng tối về tình hình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã được đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia khắc họa qua từng câu chuyện trong chuỗi talkshow trực tuyến "Phác đồ hồi phục" do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), là một trong những khách mời tham gia chuỗi talkshow. Bà bày tỏ niềm vui của bản thân về ngành ngành lương thực thực phẩm khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã sớm phục hồi, tái sản xuất một cách an toàn và tuân thủ các quy định về y tế.
Bà Chi phấn khởi thông tin hiện nay gần như tất cả các công nhân đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Tâm lý người lao động cũng ổn định, an tâm hơn khi tham gia sản xuất. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch, sản xuất một cách giãn cách theo từng tổ, nhóm để tránh lây lan dịch.
Ở phạm vi rộng hơn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Trần Việt Anh cho hay hầu hết các doanh nghiệp ở TP.HCM đã tái hoạt động tương đối ổn định với tỉ lệ trên 96%. Trong đó, doanh nghiệp FDI quay lại sản xuất nhanh nhất, kế đến là các doanh nghiệp "3 tại chỗ", doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và cuối cùng là doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp.
Theo ông Việt Anh, hiện khối sản xuất phục hồi nhanh kéo theo khối logistics, trong khi khối dịch vụ, thương mại, du lịch… phục hồi "lác đác".
Về khó khăn của doanh nghiệp, phó chủ tịch HUBA nhận định bên cạnh lao động, doanh nghiệp cũng gặp khó về vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất năm 2022.
Còn ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết ngành dệt may đã gặp nhiều khó khăn, trong quá trình chống dịch và giãn cách song đến nay ngành dệt may đã phục hồi ước tính khoảng 85%.
Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho hay thời điểm dịch ngành gỗ phải dừng 50% công suất song từ ngày 1-10-2021 đến nay, hơn 95% quay trở lại sản xuất với lực lượng lao động khoảng 75%.
Đây là những tín hiệu tích cực về sự phục hồi, bắt nhịp sản xuất trở lại của cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM sau thời gian rơi xuống "vực sâu" gian khó do hệ lụy COVID-19.
Cơn bão COVID-19 càn quét ngành sản xuất, gây ra những hậu quả chưa từng có. Và nó còn bộc lộ thêm những "mặt tối" của đời sống công nhân. Họ phải sống trong những nhà trọ xập xệ, tạm bợ, chật chội, thiếu không gian sinh hoạt tối thiểu... Việc chăm lo nơi ăn chốn ở, chất lượng cuộc sống của người lao động trong các doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm.
Nhìn rộng ra, chất lượng cuộc sống của không ít người lao động thiếu sự bền vững, thiếu một sự quan tâm mang tính chất dài hơi mà lâu nay thường phó mặc cho người động tự lo liệu.
Chính vì thế, đại dịch đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cả doanh nghiệp, nhà quản lý và cộng đồng phải quan tâm hơn, một cách thực chất hơn để giữ tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, của nền kinh tế "thâm dụng lao động" đó là con người sản xuất.
Bà Lý Kim Chi - chủ tịch FFA - cho biết hiện các doanh nghiệp đều hợp tác với các đơn vị y tế cả công lẫn tư để khi có F0 trong nhà xưởng sẽ đưa đi điều trị hoặc một số doanh nghiệp, khu công nghiệp có điều kiện cơ sở vật chất sẽ lập các khu điều trị ngay bên trong. Theo bà Chi, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến sức khỏe công nhân, không ngại tốn kém để đầu tư cho bữa ăn, dinh dưỡng cho người lao động, thậm chí nước uống cũng là loại giúp tăng sức đề kháng.
Ông Shimada Shigeru - chánh văn phòng Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lực lượng lao động di chuyển về quê nhiều dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động. Mặc dù tình trạng này có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhưng công ty cố gắng sắp xếp lượng nhân sự hiện có để đảm bảo kế hoạch sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo ông Shimada Shigeru, để người lao động luôn yên tâm công hiến, mang lại các giá trị đích thực thông qua những cố gắng và thành quả trong công việc, doanh nghiệp này cũng luôn có các chính sách đãi ngộ tốt đối với người lao động, từ đó giúp người lao động tin yêu và gắn bó với công ty lâu dài.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt cũng cho biết trong ngành dệt may, các doanh nghiệp đều có các chính sách phúc lợi, hỗ trợ người lao động tăng thêm thu nhập, tăng thêm khẩu phần ăn, chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho công nhân…
Bên cạnh sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa, các doanh nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm cộng đồng. Ông Shimada Shigeru - chánh văn phòng Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi luôn biết ơn đất nước và con người Việt Nam trong suốt hành trình hình thành và phát triển của mình tại nơi đây, nên chúng tôi không quên trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội".
Theo ông, giá trị cốt lõi của Acecook Việt Nam là 3 chữ H: Happy Customers, Happy Employees, Happy Society nên doanh nghiệp luôn nỗ lực để mang đến hạnh phúc cho xã hội thông qua những đóng góp vào sự phát triển ngành mì ăn liền nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung, hỗ trợ các nhà cung cấp cải thiện chất lượng.
"Bên cạnh đó là việc tích cực tài trợ và tổ chức các hoạt động CSR (Corporate Social Responsibilities), hoạt động vì môi trường nhằm cống hiến cho xã hội Việt Nam phát triển bền vững và ngày càng tốt đẹp" - ông Shimada Shigeru nói.
Theo ông Shimada Shigeru, dù tình hình dịch khó khăn dẫn đến tình trạng nguồn nguyên vật liệu thiếu hụt cũng như nguồn nhân công sản xuất, nhưng công ty vẫn rất may mắn khi đạt được kỷ lục "Mì Hảo Hảo - Thương hiệu Mì gói Việt Nam đầu tiên bán ra thị trường 30 tỉ gói (dữ liệu từ năm 2000 đến năm 2021)" chứng nhận bởi Vietkings.
Ngoài ra, Acecook Việt Nam còn được tổ chức Kỷ Lục Việt Nam chứng nhận "Thương hiệu Mì gói Việt Nam bán ra thị trường 30 tỉ gói".