Trước năm 2010, Trung Quốc là cơ sở sản xuất các sản phẩm giày Nike lớn nhất thì hiện nay, hơn một nửa lượng giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Tương tự, quốc gia sản xuất chính của Adidas không còn là Trung Quốc, và 40% giày của hãng được sản xuất bởi các xưởng ở Việt Nam.
Thế lực nào đã đẩy Nike và Adidas từ "Made in China" thành "Made in Vietnam", Trung Quốc đã mất gì trong sự dịch chuyển bùng nổ của ngành sản xuất khổng lồ này?, tờ kinh tế tài chính Yicai của Trung Quốc đặt câu hỏi.
"Made in China" thành "Made in Vietnam"
Năm 2020, Indonesia đã thay thế Trung Quốc và trở thành nhà sản xuất các sản phẩm giày Nike lớn thứ hai thế giới. Trong 15 năm qua, tỷ lệ sản xuất của Indonesia luôn dao động ổn định trong khoảng 21% đến 26%.
Nike chuyển từ "Made in China" thành "Made in Vietnam". Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Việt Nam đã có được thị phần chính trong liên kết sản xuất các sản phẩm giày của Nike. Việt Nam dần thay thế Trung Quốc và trở thành địa điểm sản xuất lớn nhất các sản phẩm giày Nike.
Theo báo cáo tài chính của Nike năm 2021, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất lớn nhất từ năm 2010. Hơn nữa, theo thời gian, tỷ lệ xưởng sản xuất ở Việt Nam không ngừng tăng lên. Năm 2020,50% sản phẩm giày Nike được sản xuất tại Việt Nam và năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 51%. Đồng thời, tỷ lệ sản xuất của Trung Quốc đã giảm dần từ 35% năm 2006 xuống còn 21% vào năm 2021.
Là thương hiệu đồ thể thao lớn nhất thế giới, Nike không có nhà máy sản xuất riêng. Hầu hết các sản phẩm giày của hãng được sản xuất bên ngoài nước Mỹ với hơn 15 nhà sản xuất theo hợp đồng độc lập, những nhà sản xuất này có 191 nhà máy sản xuất tại 14 quốc gia và khu vực.
Nói chung, Nike chủ yếu sản xuất thông qua các nhà máy sản xuất thiết bị gốc giá rẻ ở Đông Nam Á, sau đó bán sản phẩm sang các thị trường chủ chốt như Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất của Nike. Trong quý thứ hai của năm tài chính 2022, doanh thu ở Trung Quốc Đại lục của Nike đã giảm 20%, trong khi doanh thu ở Bắc Mỹ tăng ổn định 12%.
Tương tự như Nike, mảng sản xuất giày của hãng đồ thể thao khổng lồ khác là Adidas cũng cho thấy những thay đổi tương tự. Năm 2013, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành cơ sở sản xuất ớn nhất các sản phẩm giày Adidas. Năm đó, 35% sản phẩm giày Adidas sản xuất ở Việt Nam, trong khi Trung Quốc chiếm 31%, đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam đã lên 42%, Trung Quốc chỉ còn 15%.
Việt Nam trở thành sự lựa chọn tốt nhất
Chính sách thuế ưu đãi và nhân công giá rẻ đã thu hút ngành giày.
Thứ nhất, Việt Nam đã đưa ra chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty sản xuất vào tháng 1/2015. Theo các chính sách ưu đãi liên quan, thuế thu nhập doanh nghiệp đáp ứng một số điều kiện được miễn trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và 10% trong 15 năm tiếp theo.
Doanh số bán hàng của Adidas trên nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc đã giảm 78% trong tháng 4. Ảnh: SCMP
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi của Việt Nam bao gồm miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa dùng để tạo tài sản cố định, kê khai thuế giá trị gia tăng hàng quý, và các các ưu đãi tín dụng đầu tư khác và miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong vài năm sau đó, các chính sách nêu trên của Việt Nam đã được thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, nhân công giá rẻ ở Việt Nam. "Lương của Nike cao hơn nhiều so với làm ruộng, và môi trường làm việc tốt hơn", Yicai dẫn lời công nhân Việt Nam. Theo tờ này, tiền công Nike phải trả cho một công nhân ở Việt Nam rẻ hơn so với công nhân ở Trung Quốc.
Nói thêm về lý do chuyển xưởng sản xuất của Nike và Adidas, ông Trình Vĩ Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Thương hiệu Liangqi Thượng Hải cho biết: Các doanh nghiệp dịch chuyển cần xem xét từ nhiều yếu tố như hạn ngạch xuất khẩu, tỷ giá hối đoái, giá nhân công, dây chuyền sản xuất, thời hạn giao hàng và năng lực sản xuất... Do đó, việc Nike chuyển đến Việt Nam không chỉ để theo đuổi nguồn lao động giá rẻ mà còn xem xét hạn ngạch xuất khẩu. Nike là thương hiệu toàn cầu nên hãng không thể bỏ trứng vào một giỏ.
Trung Quốc mất gì?
Trong 15 năm, khi các liên kết sản xuất chuyển sang châu Á, Nike đã chuyển từ "Made in China" sang "Made in Vietnam".
Một số ý kiến tại Trung Quốc cho rằng việc chuyển đổi các liên kết sản xuất của các thương hiệu như Nike sẽ có tác động tiêu cực không nhỏ đến ngành sản xuất Trung Quốc và các thương hiệu nội địa. Những tác động tiêu cực của việc chuyển đổi ngành sản xuất có thể bao gồm giảm cơ hội việc làm trực tiếp và sự chậm trễ trong việc phổ biến các kỹ thuật như công nghệ sản xuất mới.
“Là một trong những công ty sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, việc Nike rút lui đồng nghĩa với việc Trung Quốc mất đi nhiều cơ hội việc làm, các khoản thuế khổng lồ, nhiều giá trị xã hội to lớn,… Ngoài ra, điều này cũng có thể dẫn đến việc đánh mất môi trường cạnh tranh tuần hoàn lành mạnh, đánh mất các cơ hội tiềm năng như khả năng nâng cao trình độ sản xuất trong nước, đào tạo công nhân lành nghề...", ông An Quang Dũng, chuyên gia trong Ủy ban Quản lý Tín dụng của Hiệp hội sáp nhập và mua lại Trung Quốc đánh giá, việc di dời dần các nhà máy sang Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với Trung Quốc. "Ngành sản xuất giày dép trong nước cũng sẽ mất cơ hội nâng cao các cấp độ trong công nghệ, tiếp thị, quản lý bằng cách cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới."
Ông Trình Vĩ Hùng thì trấn an rằng, chứng kiến điều này, Trung Quốc không nên hoảng sợ. Bởi ngành công nghiệp Trung Quốc đã trải qua những bước phát triển ban đầu và giờ đây cần được nâng cấp.
Theo ông này, việc di dời một phần năng lực sản xuất không ảnh hưởng đến ngành sản xuất giày thể thao nội địa của Trung Quốc, và năng lực sản xuất trong nước đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.