Từ ngày 11-12-2021, Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… có hiệu lực.
Bên cạnh những e ngại ban đầu, các tổ chức, cá nhân đã nhận thấy tính cần thiết của Nghị định này trong việc làm thiện nguyện.
Chặng đường thiện nguyện dài thêm nhưng minh bạch
Trao đổi với PLO, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương ngụ quận 1, TP.HCM, chia sẻ năm 2021 là năm hạnh phúc nhất đối với chị, bởi giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Trên chặng đường thiện nguyện, đôi lúc chị gặp phải thị phi, điều tiếng nhưng tất cả rồi cũng qua.
Khi Nghị định 93/2021 chính thức có hiệu lực, nhiều cá nhân làm từ thiện e ngại nhưng chị Phương thì không chùn bước. Để làm từ thiện đúng pháp luật, chị Phương chủ động tìm hiểu và tham khảo thêm các luật sư để nắm được những quy định liên quan.
Chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương vẫn miệt mài thực hiện những hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NGỌC LÀI
Chị Phương chia sẻ: “Trước khi Nghị định 93/2021 có hiệu lực, tôi cũng tự minh bạch quá trình thiện nguyện của mình bằng cách sao kê. Nghị định 93/2021 có hiệu lực, tôi nhanh chóng cập nhật và làm theo hướng dẫn”.
Chị Phương cho biết trước khi kêu gọi từ thiện, chị iên hệ với chính quyền địa phương. Cán bộ có liên quan sẽ hướng dẫn chị hạn mức kêu gọi, nếu hạn mức kêu gọi vượt khả năng cho phép của chính quyền cấp xã thì cán bộ sẽ báo cáo lên cấp trên. Sau khi quyên góp xong, chị sẽ báo với UBND cấp xã nơi có trường hợp khó khăn. UBND cấp xã nơi đó sẽ hỗ trợ chị phần xác minh về hoàn cảnh của đối tượng được hỗ trợ.
Chị Trúc Phương nói: “Từ sau ngày 11-12-2021, tôi đã trích tiền ủng hộ của mạnh thường quân cả nước để thực hiện hoạt động tặng áo khoác cho người lao động tự do đang gặp khó khăn và hỗ trợ cho 3 trường hợp người già có hoàn cảnh vô cùng nghèo khó”.
Tùy trường hợp, chị Phương sẽ có những hình thức hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, một trường hợp người shipper lớn tuổi chạy đến tận 3 giờ sáng, chị đã trích tiền mua xe máy mới, mua nệm, tặng tiền mặt… Những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo thì chị trích tiền để hỗ trợ viện phí.
Mỗi hoàn cảnh nhận được hỗ trợ của Trúc Phương đều vui mừng, hạnh phúc. Những món quà, tiền mặt đều được trao đúng người.
Chị Phương tặng áo khoác cho lao động tự do gặp khó khăn, mưu sinh về đêm. Ảnh: NGỌC LÀI
Chị Phương tâm sự: “Lúc đầu, tôi thấy những thủ tục của Nghị định 93/2021 làm này khiến chặng đường thiện nguyện dài thêm nhưng khi đã làm được rồi, tôi thấy rằng có thêm mệt sự minh bạch như vậy cũng tốt cho mình, tốt cho người được giúp đỡ và cả chính quyền địa phương nữa. Khi chính quyền địa phương tham gia vào, số tiền quyên góp sẽ đảm bảo, chắc chắn được trao đúng người, đúng hoàn cảnh”.
Hiện tại, chị Phương nhận thấy việc kêu gọi, vận động, quyên góp từ thiện theo đúng Nghị định 93/2021 cũng không mấy khó khăn.
Cởi trói lo ngại cho cá nhân, tổ chức làm từ thiện
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD- www.msdvietnam.org) nhận định: “Nghị định 93/2021 có thể nói là cơ sở pháp lý đầu tiên quy định việc thiện nguyện, quyên góp tài trợ từ cá nhân, tổ chức… và coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của xã hội chứ không còn chỉ là việc của Nhà nước”.
Theo bà Linh, đây là những dấu hiệu đầu tiên tích cực trong việc hỗ trợ cơ sở pháp lý và cả tinh thần cho những người làm từ thiện, cởi trói cho lo ngại “làm từ thiện có vi phạm pháp luật không?” mà Nghị định 64/2008 và các lùm xùm sao kê trước đó gây xôn xao và e ngại trong cộng đồng. Từ đó, đảm bảo tính hiệu quả cho các công tác thiện nguyện.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững. Ảnh: NVCC
Bà Linh nói: “Tôi rất ủng hộ sự ra đời của Nghị định 93/2021. Vì Nghị định này đã phần nào đảm bảo việc minh bạch về thu chi từ thiện, giúp cho các cá nhân, tổ chức muốn làm từ thiện trong trường hợp khẩn cấp biết cách để thực hiện, vẫn giữ được mong muốn làm từ thiện mà tránh được các điều tiếng. Tôi nghĩ có Nghị định 93/2021 thì việc làm thiện nguyện sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Bởi khi chúng ta đã có cơ sở, nền tảng pháp lý thì các yếu tố để xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện sẽ hình thành. Điều này đáp ứng nhu cầu và sự vận hành của thị trường, của xã hội, tức là có cầu sẽ có cung. Nếu các cá nhân mong muốn làm từ thiện minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đúng pháp luật thì lập tức sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ. Ví dụ:
Khi Nghị định 93/2021 có hiệu lực, chắc chắn việc phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương sẽ thuận lợi hơn.
Về vấn đề sao kê từ thiện, tôi thấy ngay lập tức khi nghị định có hiệu lực, các ngân hàng đã cung cấp các tài khoản cá nhân riêng cho từ thiện với các ứng dụng, tính năng phù hợp cho việc minh bạch và sao kê từ thiện hiệu quả.
Về vấn đề làm từ thiện hiệu quả, các cá nhân sẽ tìm được nhiều tổ chức xã hội hay các ứng dụng của doanh nghiệp (Heo đất Momo làm từ thiện chẳng hạn) để đảm bảo kết nối cá nhân với các tổ chức làm từ thiện một cách vừa minh bạch về tài chính, vừa đảm bảo hiệu quả để đến đúng người cần và theo cách phù hợp nhất, đảm bảo nhân phẩm và quyền, tính vươn lên (cho cần câu chứ không chỉ cho con cá) của người thụ hưởng. Đây là những điểm mấu chốt giúp việc thiện nguyện có hiệu quả”.
Cần thêm thông tư hướng dẫn Tuy nhiên, về lâu về dài, để xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện và cộng đồng có trách nhiệm, tôi cho rằng, về ngắn hạn Nghị định 93/2021 sẽ cần thêm thông tư hướng dẫn để làm kim chỉ nam cách thực hiện các chế độ kế toán, phối kết hợp chính quyền địa phương và tổ chức, hướng dẫn cách thực hiện thiện nguyện không chỉ minh bạch về số tiền mà còn là tính hiệu quả về công tác thiện nguyện. Về dài hơi hơn, do Nghị định 93/2021 chưa bao trùm mà mới chỉ cung cấp quy định, hướng dẫn cho công tác thiện nguyện mang tính chất khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chúng ta sẽ cần một hẳn một đạo luật thiện nguyện – từ thiện phát triển, bao gồm đáp ứng không chỉ nhu cầu từ thiện khẩn cấp mà còn là phát triển cộng đồng. Luật về từ thiện phát triển để khuyến khích và trao quyền cho các cá nhân, tổ chức của người dân, cộng đồng, tổ chức phi chính phủ thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo, điều này phản ánh mong muốn ý chí của người dân, tổ chức. Trên cơ sở đó, việc từ thiện sẽ được cải thiện tính hiệu quả hiệu suất hơn rất nhiều. Từ thiện phát triển sẽ không chỉ là việc có tâm sáng nhưng nghiệp dư, mà có thể trở thành môn học đào tạo, có nghiên cứu sâu hoặc ngành nghề chính thức để đảm bảo tính hiệu quả, chuyên nghiệp. Bà NGUYỄN PHƯƠNG LINH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững |