Liên quan đến đường dây sản xuất và tiêu thụ nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn, ngày 9-1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM cho biết đang tạm giữ 6 đối tượng để điều tra, làm rõ.
Theo hồ sơ ban đầu, sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn quận 12, Phòng CSKT Công an TPHCM đã nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Ngày 5-1-2022, nhiều tổ công tác của Phòng CSKT đã nhận lệnh phối hợp với Công an địa phương đột kích nhiều địa điểm “nằm trong tầm ngắm”.
Tại địa chỉ 89/11, đường Tân Thới Hiệp 20, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 của ông Đinh Ngọc Minh (SN 1957, quê Ninh Bình), Công an đã phát hiện số lượng lớn nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Ông Minh khai nhận, do thấy nhãn hiệu Nón Sơn có tiếng trên thị trường nên đã bắt đầu sản xuất nón vải giả nhãn hiệu Nón Sơn từ tháng 8 đến nay. Ông đã mua nguyên vật liệu gồm: vải, tem nhãn, đuôi nón, nút, khóa… mang về rồi thuê một đối tượng tên Quyền sản xuất ra thành phẩm.
Để hàng bán chạy, ông đều cho may tem nhãn hiệu Nón Sơn vào thành phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Theo đại diện Cty TNHH Nón Sơn thì chỉ cần nhìn sản phẩm do cơ sở ông Minh sản xuất là biết được làm giả; vì dù được gắn nhãn mác của Nón Sơn nhưng tem và nhãn lại có màu sắc kiểu dáng khác với hàng chính hãng.
Công an cũng thu giữ: 1 máy may, nhiều thùng, bao nhãn mác, mạc kim loại, đuôi nón….(chưa thống kê số lượng) cùng 2683 nón vải giả nhãn hiệu Nón Sơn thành phẩm.
Tiếp đó, lúc 11 giờ 5 ngày 5-1, tại căn nhà không số đường Tân Thới Hiệp 20, tổ 22, KP1A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 của Đinh Đức Trọng (SN 1992, con ruột ông Minh), Công an cũng bắt quả tang Trọng đang có hành vi sản xuất số lượng lớn là nón kết vải giải nhãn hiệu Nón Sơn.
Qua đấu tranh, Trọng khai nhận việc sản xuất nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn để bán lại cho Đoàn Duy Công (SN 1987, ngụ quận 12). Tổng cộng anh ta đã bán cho Công khoảng 4130 cái với giá 29 ngàn đồng/cái, tổng trị giá 119 triệu đồng.
Ngoài ra, Trọng còn giao hàng cho các shop bán nón như: Lý Dong (1052-1054, Nguyễn Văn Quá, P. Đông Hưng Thuận, quận 12); cửa hàng Diệu Vui (141/1B, QL1A, P.Tân Thới Hiệp) trên địa bàn trong suốt nhiều tháng qua với số lượng hàng tiêu thụ khá lớn.
Không những thế, Trọng còn kinh doanh rầm rộ trên các trang mạng điện tử như Lazada, Shoppee, Zalo… với giá bán mỗi cái từ 20 đến 30 ngàn đồng. Dù cơ sở Trọng cũng sản xuất hàng nhưng bất cứ khi nào thiếu hàng, Trọng đến gặp bố ruột là ông Minh mượn hàng để giao cho khách.
Anh rể Trọng là Trần Quang Chính thỉnh thoảng cũng có mượn lại hàng của Trọng để bán hàng tại địa chỉ số 152 Nguyễn Thị Đặng, phường Tân Thới Hiệp, quận 12.
Tại cơ sở của Trọng, tổ công tác thu giữ 7 máy may, 1 máy ủi nón, 1 bao tem nhãn mác giả nhãn hiệu Nón Sơn cùng 10.000 cái nón vải thành phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Không lâu sau đó, cơ sở sản xuất của Trần Quang Chính (SN 1989, anh rể của Trọng, con rể của ông Minh) tại nhà không số hẻm 131, đường Tân Thới Hiệp 20 cũng bị Công an ập vào kiểm tra. Tại đây, ngoài các phương tiện sản xuất nón vải, lực lượng đã thu giữ 9 bao tải chứa 2100 cái nón kết thành phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Cùng ngày, tại một căn nhà không số khác cũng nằm trên đường Tân Thới Hiệp, Công an bắt quả tang Đoàn Duy Công (SN 1987, “đối tác” của ba bố con ông Minh) và Trần Minh Tâm (SN 1986) đang bốc xếp 3 bao tải bên trong chứa 2268 cái nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn lên xe tải để đi giao khách. Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng còn thu giữ thêm 2732 cái nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Công cho biết, đang chuẩn bị giao 5000 ngàn cái nón cho khách hàng, tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng. Anh ta thừa nhận đã mua nón giả nhãn hiệu Nón Sơn và bán với giá rẻ. Thông qua kết bạn trên zalo, Công đã đặt hàng Trọng và Chính sản xuất nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn để bán ra thị trường thu lợi bất chính. Công cũng hay lấy hàng từ ông Minh. Mỗi cái nón thành phẩm được “gia đình này” bán cho Công với giá 30 ngàn đồng. Sau đó, Công sẽ bán ra thị trường với giá 33 ngàn đồng.
Công cũng rao hàng trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Shoppee, zalo từ tháng 6-2021 cho đến ngày bị phát hiện.
Anh ta khai thêm, ngày 4-1-2022, Công đặt mua của Trọng 4130 cái nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn và khoảng 870 cái có sẵn tại nhà là đủ số lượng 5000 cái giao cho khách. Trong lúc đang chất hàng lên xe tải để chuẩn bị ra bến xe An Sương giao cho khách ở tỉnh thì bị phát hiện.
Từ lời khai của các đối tượng có liên quan, Phòng CSKT Công an TPHCM tiếp tục kiểm tra kho hàng online của gia đình ông Minh trên đường Nguyễn Thị Đặng phát hiện thêm 2900 cái nón giả nhãn hiệu Nón Sơn. Hai cửa hàng chuyên bán hàng do các thành viên trong gia đình ông Minh cung cấp là Diệu Vui và Lý Dong cũng bị kiểm tra và thu giữ lần lượt là 4100 cái và 5242 cái nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn.
Điều đặc biệt là trong đường dây làm hàng giả, hàng nhái này, các thành viên trong gia đình ông Minh chỉ sản xuất mỗi nón kết giả nhãn hiệu Nón Sơn để tiêu thụ.
Tổng cộng trong đợt ra quân này, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 32 ngàn nón kết vải bị làm giả nhãn hiệu Nón Sơn được bán với giá bèo. Dù trên thực tế, giá bán cho mỗi cái nón kết chính hãng từ Cty TNHH Nón Sơn khoảng 1,2 triệu đồng/sản phẩm. Số thành phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn được “gia đình ông Minh” bán ra thị trường nếu tính theo giá trị thật lên đến khoảng 38 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tý- Giám đốc điều hành Cty TNHH Nón Sơn bức xúc: “Trước đây, lực lượng Công an TPHCM cũng như một số tỉnh, thành trên cả nước đã phát hiện rất nhiều đường dây, cơ sở sản xuất và tiêu thụ mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn thì nay lại phát hiện một đường dây sản xuất, tiêu thụ khép kín nón kết giả nhãn hiệu của Cty với con số cực lớn. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín mà còn khiến Cty thiệt hại nghiêm trọng. Rất mong bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc, điều tra, xử lý của cơ quan Công an thì luật pháp cũng cần phải mạnh tay hơn nữa đối với các đối tượng chuyên làm nhái, làm giả nhãn hiệu của những doanh nghiệp có tiếng trên thị trường nhằm thu lợi bất chính để đủ sức răn đe, làm gương.”