vĐồng tin tức tài chính 365

Cua Cà Mau ngoại truyện - Kỳ 3: Nuôi cua đẻ, chuyện mần chơi ăn thiệt

2022-01-10 13:32
Cua Cà Mau ngoại truyện - Kỳ 3: Nuôi cua đẻ, chuyện mần chơi ăn thiệt - Ảnh 1.

“Vua cua Lâm Hải” Lê Văn Mạnh thu hoạch cua trong vuông nuôi ở Cà Mau - Ảnh: QUỐC RIN

Kể chuyện trước đây, ông Phan Văn Nhân, nhà bên kia sông thị trấn Năm Căn, trầm ngâm: "Có mấy năm tôm chết liên miên, chủ đất cầm vài mẫu còn phải chạy gạo ăn. Thời may, trong vuông miệt này, cua thiên nhiên vẫn còn. Chính con cua đã giúp tui cùng nhiều người nuôi tôm ở đây cầm cự, đắp đổi. Nhưng trước năm 2000, nói chuyện nuôi cua ở xứ này là người ta... cười vô mặt".

"Người hùng cua" bất đắc dĩ

Trà dư tửu hậu chuyện nuôi cua Cà Mau, có lẽ ông Trần Khắp, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, rành rọt hơn cả. Ông Khắp là dân lăn lộn từ biển Đông sang biển Tây, qua vùng bãi bồi mũi Cà Mau. Ông có đam mê kỳ lạ với con cua, và hơn ai hết, ông hiểu về con cua Cà Mau như chính bản thân mình. 

Sau rất nhiều trăn trở, mày mò, ông Khắp trở thành người đầu tiên ở Cà Mau ép trứng, dèo cua giống nhân tạo năm 2004. Cũng từ thời điểm này, số phận con cua ngon nhất nước bước sang trang phát triển mới bền vững hơn. 

Từ những nhánh sông, cửa biển, bãi bồi rừng ngập mặn, con cua đã chính thức trở thành loại hải sản được người dân Cà Mau đem về nuôi trong vuông.

Chính ông Khắp cũng năm phen bảy bận khẳng định: "Nếu cua biển Cà Mau mà không nuôi thì sẽ sớm tiệt giống bởi cách đánh bắt của con người. Con cua Cà Mau rồi đây sẽ có giá trị kinh tế lớn, bởi không có nơi đâu được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho loại cua ngon hảo hạng như ở xứ mình. Mà con cua nuôi trong vuông tôm mười phần thì lợi mười phần".

Chuyện đã gần 20 năm, khi người nông dân Trần Khắp ở miệt Sông Đốc tìm đến cơ quan nghiên cứu thủy sản ở thành phố Cà Mau nhờ hỗ trợ kỹ thuật để ông sản xuất cua giống. Ông trình bày rằng ông đã cho cua đẻ thành công, nhưng không nuôi được trong môi trường bể. Người ta không tin và từ chối ông. 

Giận trong mình, ông nhờ người quen là giám đốc nông trường giới thiệu ra ông Ba Cầu, lúc ấy là giám đốc Sở Nông nghiệp Cà Mau. Ông Ba Cầu bỏ thời gian nghe người nông dân trình bày. Lần này, ông Khắp đã thuyết phục được giám đốc sở viết thư giới thiệu ông ra Hà Nội, để nhờ các chuyên gia của Bộ Thủy sản giúp đỡ.

"Tui ra đó đặt vấn đề nhờ các anh ấy cử cán bộ xuống giúp tui nuôi cua. Mần tổn chi phí bao nhiêu tui chịu. Họ đồng ý..." - ông Trần Khắp kể lại. Nhưng khi về đến Cà Mau, đơn giá để làm "dự án" mà các cán bộ ở Bộ Thủy sản đưa ra vượt khả năng của ông. Tình thế buộc người nông dân phải tự mày mò với mớ cua đẻ.

"Bận đó, mình nghĩ người ta cho tôm đẻ được thì cua cũng phải được. Vấn đề là mình mần chưa đúng cách đó thôi" - ông Trần Khắp nói chuyến đi Hà Nội đó cũng không vô nghĩa, khi ông đã "thọ giáo" phương pháp cho cua đẻ theo ý muốn. Ông thử đủ cách, từ làm hồ, tạo sóng, đến ức chế thị lực... 

Lứa cua đầu tiên, cua ấp 14 ngày nở ra cua con. Nhưng làm sao để cua con sống được lại là vấn đề. Luẩn quẩn cứ 3 - 4 ngày là cua chết. "Bận đó mình không biết con cua con nó ăn cái giống gì để sống. Bởi cho ăn đủ thứ rồi nhưng vẫn chết sạch. Nghe mấy người làm tôm nói về con artemia (một loại giáp xác nhỏ), tui cũng tìm lên Sóc Trăng để mua".

Bị từ chối, ông Trần Khắp không bỏ về mà chực chờ xe chở artemia ra cảng, ông đu theo thuyết phục tài xế "chia" cho một ít, và rồi cũng mua được 3 lon. Có được con artemia về làm thức ăn, lứa cua con của ông đã sống như mong muốn.

Một thời gian sau, người nông dân miệt Sông Đốc rổn rảng gọi ra báo với các chuyên gia thủy sản ở Hà Nội là mình đã cho cua đẻ theo ý muốn. Mỗi bể cua cho ra hàng triệu cua con. Trừ hao hụt thì cũng còn vài trăm nghìn con. Bán ra tiền tỉ như chơi. Các chuyên gia nửa tin nửa ngờ.

Bỗng chốc người ta kéo đến nhà ông Khắp hỏi mua cua đông như đi hội. Nhiều người ở xa, phải mang theo mùng chiếu để ngủ lại vài ngày, canh mẻ cua nào ra là mua về. 

"Bận đó, nhà tui khỏi cần canh trộm. Vì lúc nào cũng có cả trăm người canh ngày canh đêm để chờ mua cua giống" - ông Khắp nói vui. Nhiều người nhờ trúng cua mà xây nhà lầu, mua xe máy, trở thành nông dân sản xuất giỏi...

Cua Cà Mau ngoại truyện - Kỳ 3: Nuôi cua đẻ, chuyện mần chơi ăn thiệt - Ảnh 2.

Biểu tượng cua Cà Mau tại khu du lịch Mũi Cà Mau - Ảnh: HUỲNH LÂM

"Cách mạng" con cua

Về vùng biển phía Tây Cà Mau, ông Hồng Văn Lâu, chủ cơ sở dèo cua giống tại ấp Cái Nước Biển (xã Phú Tân, huyện Phú Tân), vui vẻ cho biết: "Con cua biển dù sao cũng quen với môi trường tự nhiên, muốn nuôi phải qua công đoạn dèo, thúc để hạp với môi trường vuông tôm. 

Cua dễ nuôi, nhưng nuôi để đạt kết quả, có chất lượng thơm ngon thì cũng có những bí quyết riêng. Nếu làm như trước đây, cứ thả đại vô vuông tôm thì khó có ăn lắm".

Rồi thêm chuyện của ông Phạm Văn Dũng, có thâm niên nuôi cua ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, mới thấy giai đoạn đầu nuôi cua ở Cà Mau còn nhiều bỡ ngỡ. 

"Xứ này thì con cua hạp đất, hạp nước. Ban đầu, khi cua thiên nhiên ít đi trong vuông, mình dặn các chủ đáy bán cua nhỏ đem về thả. Sau đó có cua giống thì mua về giặm thêm. Nói chung cách đây trên chục năm thì cua chưa có giá cả gì mấy, chỉ là tôm chết liên miên, con cua trở thành nguồn thu nhập chính nên phải thả nuôi thôi".

Theo đặc tính của cua, cứ mùa mưa là bò đi kiếm ăn. Hoặc giả, những chủ vuông diện tích nhỏ, thức ăn không đủ thì cua cũng tìm cách bỏ đi. 

Nhiều chủ vuông ở Cà Mau suy nghĩ cách tránh thất thoát. Thế là từ đó những ô vuông được rào lưới kín mít trở nên phổ biến. Dần dà, cách nuôi cua này lan rộng khắp tỉnh. Người Cà Mau đã thành công trong việc thuần hóa cua biển trở thành cua nuôi vuông.

Tuy nhiên, cách nuôi cua phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, chỉ có khâu thả giống và chờ thu hoạch rõ ràng chưa thỏa mãn người nông dân Cà Mau. Cách nuôi cua hai giai đoạn bắt đầu được người dân tự tìm tòi, sáng tạo. Đây có thể coi là cuộc cách mạng trong mô hình nuôi cua, đưa việc nuôi cua lên tầm chuyên nghiệp hóa. 

Sự thể khởi đầu từ những chủ vuông nuôi tôm công nghiệp thất bại, hầm ao bỏ trống. Người ta áp dụng cách nuôi tôm công nghiệp cho con cua, và thật bất ngờ, đạt được hiệu quả hết sức ấn tượng.

Ông Nguyễn Văn Phước, ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, cho biết: "Nuôi cua hai giai đoạn kỳ công hơn. Đầu tiên là chọn giống tốt, dèo trong ao đất khoảng 4 tuần, cho ăn giặm. Giai đoạn hai là thả vào hầm nuôi được cải tạo như đầm tôm công nghiệp, mật độ khoảng 1m2/con. Chú ý xử lý nguồn nước, tạo thức ăn thiên nhiên cho cua, hoặc bổ sung thức ăn lúc cua lột vỏ. Tầm 4 tháng là cua đạt trọng lượng thu hoạch". 

Và mô hình nuôi cua thịt thương phẩm hai giai đoạn đang trở thành lựa chọn của nhiều người nông dân như ông Phước, với thu nhập không kém gì con tôm.

Hầu hết vuông tôm của nông dân Cà Mau đều có sự hiện diện của con cua. Bây giờ, dân Cà Mau thăm hỏi nhau, câu cửa miệng sẽ là: "Tôm tép dạo này đỡ không?". Nếu gia chủ dè dặt: "Tôm tép hổm rày dở quá" thì câu tiếp theo sẽ là: "Có cua bọng gì không?". 

Câu trả lời sẽ làm ấm lòng người, khẳng định luôn vị thế của con cua: "Cũng có cua lai rai". Con cua giờ đây không còn là lựa chọn "chữa cháy" bất đắc dĩ, mà thực sự trở thành người bạn đồng hành với nông dân Cà Mau.

Cho đến hiện tại, cua trở thành hải sản được nuôi rộng khắp 9 huyện, thành phố của Cà Mau. Những vùng cua nổi tiếng lâu đời đã đành, ngay những vùng lợ, nuôi cua nước tĩnh như Thới Bình, U Minh cũng mang lại những tín hiệu khả quan.

Theo tính toán sơ bộ, toàn tỉnh Cà Mau đã có trên 130.000ha nuôi cua, trong đó có cả những vùng chuyên canh, con cua vươn lên vị trí số 1.

Giờ con cua Cà Mau phải có chỗ đứng ra bao tiêu sản phẩm, rồi cua có nhãn hiệu, logo, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ danh tiếng...

Kỳ tới: Bảo vệ danh tiếng cua Cà Mau

Cua Cà Mau ngoại truyện - Kỳ 2: Nhờ đâu cua Cà Mau danh bất hư truyền?Cua Cà Mau ngoại truyện - Kỳ 2: Nhờ đâu cua Cà Mau danh bất hư truyền?

TTO - Những người sành cua ở ngay Cà Mau có cách lý giải vì sao con cua ngon nhứt nước phải là miệt cuối đất này.

Xem thêm: mth.3750648001102202-teiht-na-iohc-nam-neyuhc-ed-auc-ioun-3-yk-neyurt-iaogn-uam-ac-auc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cua Cà Mau ngoại truyện - Kỳ 3: Nuôi cua đẻ, chuyện mần chơi ăn thiệt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools