Chiều 25-12, các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) thảo luận tổ ở 10 tổ về những chỉ tiêu, giải pháp và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Phát biểu tại tổ thảo luận số 1, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng nông dân đóng góp nhiều nhất cho đất nước, cho xã hội song cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Lý do sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường.
Do đó, trong nhiệm kỳ tới các cấp hội nên có một chỉ tiêu, hoặc đặt về vấn đề cho bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân. Trước mắt có thể thí điểm việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp cây trồng cho nông dân.
Theo ông, bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, thiết yếu cho người nông dân để hạn chế những thiệt hại do các rủi ro gây nên.
"Việc này cực kỳ khó, nhưng chẳng lẽ khó mà chúng ta không làm. Tôi nghĩ rằng việc nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp là vấn đề rất chính đáng, rất cấp thiết. Chúng ta không thể chần chừ được" - ông Thòn nói.
Đề xuất các giải pháp để hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ông Thòn cho rằng các cấp hội phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức bảo hiểm đi cùng với chúng ta để tiếp cận và từng bước giải quyết vấn đề bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.
"Tôi nghĩ Hội Nông dân cần có đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có một khoản tiền về chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Bởi nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế..." - ông Thòn nói.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi (TP.HCM) Võ Văn Thuận (tổ thảo luận số 8) kiến nghị Trung ương hội xem xét phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế chính sách giữa ba nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học) để làm sao sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ hết, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
"Chúng ta không thể cứ theo tín hiệu thị trường rồi đua nhau làm sau đó lại giải cứu" - ông Thuận nói và đề nghị cần có kế hoạch tổng thể, dự báo tình hình và thị trường cho nông dân.
Đề cập đặc thù tại các đô thị lớn như TP.HCM, ông Thuận đặt câu hỏi: Nền nông nghiệp đô thị trong 5 năm tới sẽ phát triển như thế nào khi mà quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các chính sách cho nông nghiệp đô thị nhiều nhưng vẫn chồng chéo nhau?
"Đơn cử, hiện một số vùng ở TP.HCM đất thuộc diện quy hoạch rất nhiều, nhưng nhiều năm chưa triển khai dự án, trong khi nông dân cần đất sản xuất lại không có" - ông Thuận dẫn chứng.
Đó là chia sẻ của nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng VinFuture trong cuộc giao lưu với các nhà khoa học trẻ và sinh viên được tổ chức tại Trường ĐH VinUni ngày 21-12.