Còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, các lò gốm tại thị xã Tân Uyên (Bình Dương) tất bật chuẩn bị làm hổ vàng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lò gốm của ông Lê Quang Lợi, xã Tân Vĩnh Hiệp mỗi ngày cho ra lò 1.000 con hổ đất, 2.000 con heo đất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Ông Lợi cho biết năm 2021, lò của ông phải nghỉ 3 tháng vì dịch Covod-19 nên phải cho nhân công nghỉ việc. Nay thương lái đặt hàng nhiều thì nhiều nhân công đã về quê, không thể huy động.
Trong dịp Tết Nhâm Dần, ông Lợi cho ra lò chủ yếu là hổ vàng ngậm ngọc, đứng trên các thỏi vàng, bạc tượng trưng cho may mắn, sung túc.
Sau khi đổ đất sét vào khuôn và chờ khô, công nhân sẽ dỡ hổ đất ra khỏi khuôn, cạo những viền đất thừa (thường gọi là ba ria) để hổ được đẹp, mịn màng hơn. Mỗi ngày, một công nhân có thể cạo được 400 đến 500 con hổ.
Sau đó, hổ sẽ được xếp vào lò nung. Cứ 2 ngày, lò ông Lợi lại đỏ lửa một lần. Khi sắp nung xong thì thương lái đã chờ sẵn để mua.
Những con hổ đất nung ở thị xã Tân Uyên hầu hết sẽ được chuyển đến các lò ở thị xã Thuận An (Bình Dương) để vẽ, trang trí, bổ sung kim tuyến cho bắt mắt.
Bên cạnh hổ vàng ngậm ngọc, các lò gốm còn làm hổ vàng mũm mĩm dễ thương. Giá mỗi con hổ đất như thế này dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng.
Do lượng hổ đất nung không đáp ứng đủ nhu cầu nên các lò ở Thuận An còn làm thêm hổ bằng thạch cao. Loại hổ vàng này có đường nét sắc sảo hơn, cứng cáp hơn nên giá cũng cao hơn.
Hổ thạch cao phải phơi lâu hơn nhưng không phải nung như hổ đất. Bên cạnh hổ vàng, các lò gốm cũng sản xuất chó, mèo, mèo máy Doraemon để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
https://soha.vn/chu-lo-gom-binh-duong-lam-1000-ho-dat-moi-ngay-chua-ra-lo-da-co-nguoi-den-lay-20220110145759479.htmTheo Hoàng Tùng
Doanh nghiệp và Tiếp thị