Mỗi khi năm hết Tết đến, chúng ta thường hay nghĩ đến gia đình, đến sự "đoàn viên". "Viên" có nghĩa là tròn đầy. Nhưng chưa bao giờ, sự cảm nhận về Được và Mất lại rõ rệt nhưng đan xen không tách rời nhau như trong năm 2021 này.
Nếu như kể lại những điều Được trong năm 2021 thì điều tôi mãn nguyện nhất là bạn Nhân (kỹ sư tham gia xây dựng công trình nhà ở ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ từng mắc Covid-19 khi Ấn Độ đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ 2) không chết. Hôm vừa rồi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang thăm Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội cũng gặp và hỏi thăm Nhân về tình hình sức khỏe. Bạn ấy cảm động quá chỉ nói về công việc mà không nói gì đến bệnh tật mình đã trải qua.
Còn tôi, khi đứng trước Đoàn đại biểu Quốc hội và đám đông cộng đồng, tôi đã nghẹn ngào mất khoảng mấy chục giây mới phát biểu chào mừng Đoàn được. Dường như sau Covid-19 tôi và các đồng nghiệp khác dễ bị xúc động hơn. Khi phải kể lại nỗi sợ hãi mà mình đã trải qua tôi thường không kiềm chế được cảm xúc.
Thông thường trong cuộc đời, người ta ít khi phải ngồi lại để nghĩ xem ta đã mất gì và được gì trong thời gian vừa qua. Tôi vẫn tâm niệm rằng trong cuộc sống, ta thường được nhiều hơn mất. Chúng ta sinh ra lớn lên, tìm được công việc, lập gia đình, sinh con và phát triển … Tất cả những cái đó đều là được. Những mất mát, dù có, vẫn là rất nhỏ so với những gì ta được.
Cái Được lớn nhất đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong năm 2021 là tất cả mọi người đều kiên cường và an toàn vượt qua làn sóng đại dịch lần thứ hai. Đây là điều đáng mừng nhất vì đã có lúc cảm giác cái chết quá cận kề tưởng chừng không vượt qua được.
Nhưng bên cạnh cái được đó thì cái Mất cũng rất hiện hữu. Nếu như Nhân thoát được cửa tử thì bạn Sanjay, người Ấn, kỹ sư trưởng phụ trách điện của công trình lại không qua được. Cụ Sharma, người bạn rất thân của Việt Nam, từng xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam và đón Bác Hồ năm 1958, đã qua đời vì Covid.
Tất cả những điều đó xảy ra rất bất ngờ. Được và Mất cứ đan xen, ngược xuôi như thế.
---
Năm ngoái, khi tôi và 37 cán bộ của Đại sứ quán cùng mắc Covid, chúng tôi lập một phòng họp online tự khám cho nhau theo sự hướng dẫn của các bác sĩ ở Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Hàng ngày 2 - 3 lần chúng tôi tự kiểm tra thân nhiệt, huyết áp và nồng độ oxy. Do bị nhiễm lần đầu và cùng một lúc, không phải không có lúc cực kỳ hoang mang, lo sợ. Vừa ở xa gia đình vừa không có kinh nghiệm chữa bệnh nên nỗi lo nhân đôi. Chúng tôi không dám nói với gia đình, không dám chia sẻ với ai, sợ mọi người hoảng hốt.
Bạn bè hỏi tôi đều trả lời theo hướng làm nhẹ vấn đề và dặn không cho vợ con tôi biết.
Là người đứng đầu ĐSQ, tôi chỉ nghĩ rằng, nếu tôi sụp là cả cơ quan sụp, nên trong thời gian cách ly ở nhà, tôi vẫn cố gắng xuất hiện đều đặn trực tuyến, trao đổi và giao nhiệm vụ cho anh em, làm ai cũng phải bận rộn.
Thậm chí, mỗi lúc xuất hiện, tôi luôn chỉn chu, cố tạo một phong thái thật mạnh mẽ, để mọi người vững tin. Lúc đó các bác sĩ có chia sẻ nếu qua được ngày thứ 11 thì sẽ phục hồi trở lại. Vì vậy, tôi quyết định mình phải vượt qua được ngày thứ 11 dù rất mệt. Trao đổi với ai tôi cũng nói "Cố lên, sắp qua ngày thứ 11 rồi"!
Khi qua được ngày thứ 11, vì kiệt sức, tôi ngủ hết cả ngày hôm sau và bị lỡ một buổi họp. Mọi người trong ĐSQ rất lo lắng và hiểu tôi đã chịu đựng đến giới hạn. Khi tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là: "Sống rồi!"
Lúc đó, tôi phải chuyển hóa nỗi sợ thành những câu chuyện tích cực, chỉ nói những điều vui và vượt qua bằng bản lĩnh và niềm tin sẽ sống. Nếu như mình tỏ ra lung lay thì cả mình lẫn tất cả anh chị em trong Sứ quán sẽ suy sụp.
Không chỉ giành giật sự sống cho bản thân, năm vừa qua cũng là năm lần đầu tiên tôi ở trong tình thế giành giật bằng được sự sống cho người khác. Đó là câu chuyện của Nhân, của Xuân, của Phương khi hằng đêm chúng tôi gọi điện đến khắp các nơi, bất cứ nơi nào chúng tôi cho rằng có hy vọng, từ giám đốc bệnh viện, đến Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế nhờ tác động hoặc để lấy giường bệnh, hoặc để xin thêm bình oxy, hoặc để xin tiêm Remdesivir.
Tôi quyết tâm phải giữ được sự sống cho những người ấy vì nếu một người tử vong, thì những người khác sẽ khó vượt qua được. Đó là điểm chốt mà tôi phải giữ và không nhân nhượng.
Qua tất cả những thử thách ấy, tôi nhận thấy, càng vào cuộc chiến, bản thân mình càng thấy bừng tỉnh và sáng suốt hơn, đôi khi quyết đoán và quyết liệt đến ngạc nhiên. Chưa bao giờ khả năng sinh tồn lại lớn thế. Chiến đấu về sự sinh tồn của mình và của người khác sẽ mạnh hơn khi bạn không còn đường lùi.
Khi bài này lên trang thì ĐSQ đang bị đại dịch tấn công lần thứ 3 với hàng chục người bị nhiễm và tái nhiễm. Số ca nhiễm tăng lên mỗi ngày nhưng như đã quen với tiếng súng của chiến trường và đe doạ của cái chết họ vẫn bình tĩnh để một lần nữa lại kiên cường vượt qua đại dịch Covid. Và đây là lần thứ 3 nhưng chắc chưa phải là lần cuối cùng.
Trong bối cảnh Ấn Độ liên tiếp phong tỏa vì đại dịch như vậy, không bao giờ tôi nghĩ có thể hoàn thành khu nhà ở cho nhân viên Đại sứ quán. Bởi ngoài phong tỏa, New Delhi thường trong tình trạng ô nhiễm cao nên việc xây dựng nói chung phải dừng lại nhiều lần. Ấn Độ lại là một quốc gia đa tôn giáo, mỗi tôn giáo lại có hệ thống ngày nghỉ riêng nên không bao giờ có đủ 100% công nhân đi làm cả.
Nhưng trong rủi lại có may đó là gần cuối năm, chúng ta lại thu xếp được chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động đối ngoại cấp cao trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Để kịp cho Chủ tịch Quốc Hội khánh thành Khu nhà ở dành cho cán bộ nhân viên ĐSQ, tất cả mọi người đã phải làm việc ngày đêm với tốc độ bằng hai đến ba lần tốc độ bình thường và cuối cùng nhà đã sẵn sàng để chuyển vào ở và chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp với 14 Biên bản ghi nhớ (MOU) và hợp đồng trị giá 4,8 tỷ USD được ký kết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện chuyến thăm chính thức Ấn Độ. Ảnh:Báo chính phủ
Một cái Được nữa của năm 2021 là chưa bao giờ hai nước lại giúp đỡ nhau nhiều và nhanh đến thế. Khi Ấn Độ bị Covid tấn công, Việt Nam đã gửi khẩu trang, máy tạo oxy, máy trợ thở và khi nhân dân TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn, Ấn Độ cử tàu Hải quân Ấn Độ chở 100 tấn oxy y tế lỏng và 300 máy tạo oxy thẳng đến TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ nhân dân và Chính phủ ta trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Cũng từ đại dịch mà chúng ta phát hiện và vận động thành công chính quyền và doanh nghiệp Ấn Độ xuất Remdesivir, Monupiravir và các thuốc chữa Covid khác vào Việt Nam, từ đó mở ra triển vọng hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc chống Covid tại Việt Nam trong năm 2022.
Ngoài ra, một điều mà tôi rất hạnh phúc trong năm nay là đã đặt xong tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một công viên rất đẹp nằm giữa thủ đô New Delhi, qua đó quảng bá hình ảnh của Bác - Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá lớn trên thế giới - tại địa bàn Ấn Độ, nơi mà Bác đã 3 lần đến thăm và nhận được tình cảm kính yêu to lớn của người dân Ấn Độ.
Một điều thiệt thòi lớn cho anh chị em trong ĐSQ là đại đa số không có gia đình đi cùng, cộng đồng người Việt ở Ấn Độ lại rất nhỏ. Khi ốm đau bệnh tật rất dễ tủi thân vì ít có người Việt bên cạnh. Tôi không sợ chết chỉ sợ đồng nghiệp mình chết thì không biết ăn nói thế nào với gia đình họ và đưa thi thể của họ về thế nào vì tất cả đều diễn ra trong điều kiện không bình thường.
Tôi thường nghĩ những điều mình trải qua như là một trận chiến, khi ra trận, nếu ta hy sinh thì càng oanh liệt, nhưng điều đáng sợ là đằng sau những cái chết ấy là nỗi đau của nhiều người khác.
Trong năm nay, gia đình tôi có thêm một thành viên mới. Chúng tôi lên chức ông bà ngoại. Đó là cái ĐƯỢC rất lớn. Năm ngoái, khi con gái tôi chuẩn bị thành hôn thì dịch nổ ra nên đám cưới phải hoãn lại, sau đó tôi lại mắc Covid ở Ấn Độ nên cũng không về được để dự. Thế là đám hỏi, đám cưới của con gái, tôi đều vắng mặt.
Đầu năm nay gia đình định tổ chức một buổi lễ nho nhỏ có đông đủ các thành viên trong gia đình thì Covid bùng lên ở Hà Nội.
Đến khi con gái sinh, tôi cũng không về được vì chuẩn bị chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội. Nhưng bù lại, tôi có cô cháu gái xinh xắn.
Vì vậy, tôi ngộ ra rằng, Được - Mất vô cùng lắm. Chẳng có ai cứ Được mãi và chẳng phải lúc nào cũng Mất mãi. Tất cả những Được - Mất đều trở nên nhỏ bé khi gia đình bạn được mở rộng đón thêm một mầm sống.
Gần Tết, ai mà không nghĩ về đoàn viên, nhất là trong năm nay, khi nỗi đau quá lớn và nỗi mong muốn trở về đã đạt đến mức khắc khoải. Cũng như tôi, Nhân, Xuân, các kỹ sư và đồng bào phải công tác xa xứ, tất cả đang khao khát chờ đón ngày trở về vì ở đó Quê hương Việt Nam gia đình và bè bạn đang dang rộng những vòng tay ấm áp để đón chào chúng tôi.
Theo Đại Sứ Phạm Sanh Châu
Doanh nghiệp và Tiếp thị