Một số địa phương ra văn bản gây khó hiểu đối với người dân về quê dịp Tết
Chỉ 3 tuần nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Với những người đi làm xa, đây có lẽ là thời điểm mong chờ nhất, khao khát được về đoàn tụ với gia đình. Người lưỡng lự chưa biết về hay không, người quyết về thì ngay ngáy từng ngày lo không biết gần tết dịch bệnh thế nào, liệu có thêm quy định siết đi lại giữa các địa phương hay không…
Hầu hết các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ các nơi về quê đón Tết với khuyến cáo chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch.
Thế nhưng, những ngày qua, một số địa phương đã phát đi thư ngỏ, khuyến cáo người dân sinh sống ở vùng dịch không về quê trong dịp Tết cổ truyền.
Ngày 27/12/2021, tỉnh Quảng Nam ban hành Chỉ thị về tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Trong đó nêu yêu cầu vận động người dân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về địa phương khi không thật sự cần thiết.
Ngày 30/12/2021, TP Thanh Hóa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.
Thư ngỏ của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản yêu cầu người dân về từ "vùng cam", "vùng đỏ" phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày. Trước phản ứng của dư luận, mới đây tỉnh này đã hủy bỏ quy định này.
Tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu người trở về từ "vùng cam" cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu và ngày thứ 7. Người về từ "vùng đỏ" thì phải cách ly tập trung.
Ở các văn bản này đều có chung nội dung: không nên về quê nếu "không thật sự cần thiết". Một số lãnh đạo địa phương cũng lên tiếng đính chính rằng: đây chỉ là khuyến cáo, không phải cấm, bà con vẫn có thể về quê.
Về quy định của các địa phương, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đã có những bình luận trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Chúng ta thông cảm cho các địa phương về phòng chống dịch nhưng đã có những quy định đi lại giữa các địa phương, đi từ vùng dịch về. Trước khi có Nghị quyết 128, rất nhiều văn bản ban hành hạn chế đi lại, cách ly gây ra cắt cứ. Tôi cho rằng khi đã có văn bản cụ thể thì không nên có những văn bản khác gây khó hiểu".
Cần thực hiện quy định thống nhất, tránh việc làm tùy tiện của các địa phương
Đến nay, tàu hỏa, hàng không, xe khách… đều ghi nhận số vé giảm mạnh so với bình thường. Hiện tại lượng khách tại các bến xe Hà Nội chỉ khoảng 25% so với ngày thường.
Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến phát hành 250.000 vé, nhưng hiện mới chỉ bán được trên 10%, còn các hãng hàng không lượng vé chỉ bằng khoảng 70-75% so với Tết năm ngoái nhưng hiện cũng còn nhiều, mặc dù giá vé đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Điều đó cho thấy chính người dân cũng ngần ngại khi quyết định về quê hay không, cho dù ai cũng mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình.
Đến nay, quy định mới nhất của Bộ y tế là Hướng dẫn 4800. Theo đó mọi biện pháp xét nghiệm, cách ly chỉ áp dụng với người trở về từ vùng dịch cấp độ 4, hoặc ở vùng 3 nhưng phải có chỉ định, hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
Nhiều người dân đang ngần ngại khi quyết định về quê hay không. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, một số địa phương không có thư ngỏ nhưng yêu cầu xét nghiệm PCR và cách ly 7 ngày với người về từ "vùng cam", hoặc ký cam kết không tập trung đông người. Thậm chí một số tỉnh vẫn yêu cầu test nhanh hoặc PCR khi vào địa bản tỉnh.
PGS. TS. Trần Đắc Phu cho biết, Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế ra đời với mong muốn thực hiện thống nhất ở cả nước, tránh việc làm tùy tiện của các địa phương, ảnh hưởng đến địa phương khác và cả nước.
"Nếu thực hiện test nhanh, độ chính xác không quá cao. Kết quả âm tính lại dẫn tới chủ quan trong phòng chống dịch và không thực hiện 5K. Việc cách ly y tế chỉ áp dụng cho vùng cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa. Những người tiêm đủ vaccine có quy định khác với người tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm vaccine. Các địa phương đánh giá cấp độ dịch càng nhỏ càng tốt, có thể đánh giá nhỏ hơn xã phường. Đánh giá phải phù hợp, không tới thì không đáp ứng được phòng chống dịch nhưng thái quá lại ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội" – ông Trần Đắc Phu nói.
PGS. TS. Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Chính phủ không cần ban hành văn bản thống nhất thực hiện việc người dân về quê ăn Tết : "Chỉ nên ban hành khuyến cáo về hạn chế tụ tập đông người, tổ chức lễ hội. Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã đầy đủ và đảm bảo tính khoa học. Chúng ta đang chú ý đến việc quản lý rủi ro, chấp nhận có F0 cộng đồng, hướng tới các biện pháp phòng bệnh hạn chế cấm đoán, gây tốn kém cho người dân và xã hội".
Hải Phòng không có quy định riêng đối với việc người dân về đón Tết
Ngày 8/1, Hải Phòng công bố toàn thành phố trở thành vùng có nguy cơ rất cao về dịch COVID-19 (vùng đỏ) sau khi 131/218 xã, phường chuyển cấp độ 4.
Trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay, ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng không có bất kỳ quy định nào về việc người dân trong nước, nước ngoài về đón Tết.
"TP Hải Phòng đã thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Do vậy, TP áp dụng quy định của Bộ Y tế. Những người ở nước ngoài về tiêm đủ vaccine và âm tính sẽ theo dõi 3 ngày tại gia đình. Ở những tỉnh thành phố khác, chúng tôi tuyên truyền vận động tiêm đủ vaccine, không có quy định nào khác" – ông Lê Khắc Nam khẳng định.
"Còn gặp được nhau thế này là mừng lắm rồi" - câu nói nghe xót xa nhưng đã trở thành câu cửa miệng thay lời chào hỏi của mọi người, sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Có những người quê ở gần mà cả năm nay chưa dám về thăm bố mẹ, chỉ chờ vào dịp Tết. Hơn lúc nào hết, nhu cầu của người dân được gặp gỡ, chia sẻ lớn đến như thế nào.
Chúng ta không thể có "linh hoạt, thích ứng" như tinh thần Nghị quyết 128 được nếu mỗi nơi một phách, mỗi nơi một kiểu. Chính quyền địa phương cần dựa trên căn cứ khoa học để có những động thái ứng xử phù hợp trong những lúc thế này chứ không phải là tạo ra các rào cản hay vận động không về quê. Sự tự giác phòng dịch, tuân thủ 5K của mỗi người dân mới thực sự là lá chắn an toàn đảm bảo một cái Tết an vui.
Ban Thời sự
VTV News
Xem thêm: nhc.5382209011102202-tet-na-euq-ev-yah-ial-o-nen/nv.zibefac