"Bán chui" cổ phiếu FLC đến hai lần…gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư chứng khoán nhưng mức phạt theo quy định là quá nhẹ so với số tiền lợi nhuận mà ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC có thể thu được.
“Cao thủ đánh úp” trên sàn chứng khoán
"Anh Quyết lại luyện chưởng “đánh úp” nhà đầu tư, “Cú đánh úp đi vào lòng đất của Chủ tịch FLC”, “lùa gà”… là những bình luận trên các diễn đàn chứng khoán, room Zalo, Telegram.
Cay đắng vì chót “đu đỉnh”, chứng kiến cổ phiếu FLC bị chính Chủ tịch Tập đoàn bán “xả van” là tâm trạng của không ít nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán được ví như “chiến trường khốc liệt”, việc một cổ phiếu tăng hay giảm là điều bình thường, tuy nhiên khi Chủ tịch bán chui số lượng lớn khiến cổ phiếu từ tím trần rớt xuống “lau sàn” chỉ trong 5 phút thì đó là động thái ít nhà đầu tư ngờ đến.
Công văn mà Tập đoàn FLC công bố trên website cho thấy văn bản được viết vào ngày 5.1, tuy nhiên đến tối 10.1 mới công bố. Trên website của HoSE, tính đến thời điểm tối 10.1 vẫn chưa có thông báo gì về động thái bán xả của Chủ tịch FLC.
Sáng ngày 11.1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tới tận 17h45 chiều ngày 10.1.2022 (tức là sau khi phiên giao dịch kết thúc, ông Quyết đã hoàn tất việc bán xả cổ phiếu FLC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới nhận được báo cáo của HOSE về việc ông Trịnh Văn Quyết giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu FLC, nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Nộp phạt vài chục đến vài trăm triệu, đút túi nghìn tỉ đồng, niềm tin nhà đầu tư lung lay
Việc làm của ông Quyết là vi phạm theo Khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16.11.2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Đây là lần thứ hai, ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì bán chui cổ phiếu FLC.
Cuối năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng xử phạt vi phạm hành chính do hành động "bán chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo trước của ông Quyết. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỉ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng.
Cùng ngày 11.10.2017, UBKCNN ra quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS - thời điểm đó do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) số tiền 130 triệu đồng vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) từ ngày 20 - 24.10 nhưng không báo cáo.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng con số bị xử phạt là quá nhỏ so với lợi nhuận thu được nên không đủ tính răn đe.
Liệu sẽ còn bao nhiêu ông chủ doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sẵn sàng “đánh úp” nhà đầu tư, bất chấp việc xử phạt vài đồng so với lợi nhuận thu được?
Trong vụ việc ngày 10.1, Theo Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi vi phạm quy định về giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết nhiều khả năng sẽ bị phạt tiền từ 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên, nhưng số tiền phạt không quá 1,5 tỉ đồng (đối với cá nhân).
Với số lượng cổ phiếu FLC đăng ký bán lên tới 175 triệu cổ phiếu, trong đó đã thực hiện "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu (tương ứng tổng giá trị đăng ký bán 3.850 tỉ và lượng đã bán khoảng 1.650 tỉ đồng), nếu bị phạt ở mức tối đa, có khả năng số tiền mà ông Trịnh Văn Quyết có thể bị phạt là 1,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết có thể đối mặt với mức xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 03 tháng đến 05 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 128". Tuy nhiên mức phạt hiện vẫn chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.