Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các ngành liên quan thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và phòng chống sinh vật gây hại trên lúa.
Việc triển khai xây dựng phần mềm được thực hiện đồng loạt bao gồm xây dựng ứng dụng (Apps) nhận diện sinh vật gây hại trên điện thoại bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) kết hợp với hệ thống chuyên gia tương tác trực tuyến với người sử dụng.
Đây là những công cụ hỗ trợ người nông dân trong việc nhận diện, chuẩn đoán các vấn đề liên quan tới sinh vật gây hại cây trồng cũng như được tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” được xây dựng với sự tư vấn chuyên sâu của các bên liên quan, trong đó có cả nông dân nhằm đảm bảo thiết kế nội dung và giao diện đơn giản, hiệu quả và thuận tiện cho người sử dụng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), để giúp nông dân có thể tự nhận biết loài sinh vật gây hại trên đồng ruộng, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống nhằm bảo vệ sản xuất và đáp ứng các yêu cầu của thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel và Sở NNPTNT tỉnh An Giang xây dựng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên lúa từ tháng 6.2021. Từ ngày 11-13.1.2022, hội nghị “Triển khai thực hiện thí điểm phần mềm (APPS) nhận diện sinh vật gây hại lúa tại An Giang” sẽ được tổ chức để đánh giá kết quả ứng dụng ban đầu.
Đến nay, phần mềm đã được hoàn thiện và đang được triển khai thí điểm trên địa bàn tại tỉnh An Giang đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể được tải dễ dàng từ kho dữ liệu trên trên nền tảng di động Android và IOS, cung cấp cho nông dân chức năng tự động nhận diện loài sinh vật gây hại qua ảnh chụp và có thể tra cứu thông tin về sinh vật gây hại gồm hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ; văn bản, tài liệu bảo vệ thực vật; quy trình phòng chống sinh vật gây hại do Cục Bảo vệ thực vật ban hành...
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Từ những kết quả trên, Cục Bảo vệ thực vật đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để đánh giá mức độ chính xác của AI trong việc nhận diện với các loài sinh vật gây hại đã được đào tạo đáp ứng yêu cầu thí điểm thực tế. Thu thập phản hồi từ người nông dân để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tính năng của ứng dụng trong phiên bản tiếp theo.
Đặc biệt, có thể đánh giá tính khả thi, khả năng đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu của người nông dân trong việc nhận biết và phòng trừ các loài sinh vật gây hại trên cây lúa và đánh giá khả năng vận hành của hệ thống trên thực tế”.
Xem thêm: odl.248399-aul-nert-iah-yag-tav-hnis-gnohc-gnohp-ed-oat-nahn-eut-irt-gnud-gnu/et-hnik/nv.gnodoal