Sáng 25-11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ 2 điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng hội nghị lần này phải chỉ được điểm mới, giá trị mới của điều chỉnh quy hoạch chung.
Quy hoạch chung lần này phải khẳng định rõ nét vị trí, vai trò của thành phố ở vùng kinh tế phía Nam và trong cả nước, là đầu mối, đại diện của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Điều chỉnh quy hoạch chung lần này không chỉ thiết kế phần cứng mà có cơ chế, phần mềm để phát triển thành phố, khẳng định vai trò của TP.
Tại dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến nay, TP.HCM sẽ có 11 tuyến metro với 515km gồm 8 tuyến xuyên tâm, 2 tuyến vành đai, 1 tuyến tramway/LRT ven sông Sài Gòn (tramway - loại hình giao thông công cộng kết hợp giữa tàu điện ngầm và xe buýt; LRT là đường sắt hạng nhẹ).
Góp ý về quy hoạch đường sắt đô thị, tiến sĩ khoa học, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng hệ thống metro cần có sự quy hoạch lại với sự phối hợp giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông vận tải chứ không thể chỉ nhìn từ tầm nhìn của Sở Giao thông vận tải.
"Đa số các tuyến đường sắt đô thị đã vẽ chạy ngang khu đô thị hiện hữu, tiềm năng quỹ đất đã không còn. Việc đền bù giải tỏa sẽ rất mắc, tiền đâu mà làm", ông Sơn phân tích.
Ông cho rằng mục tiêu đầu tiên phải hoàn thành thí điểm tuyến metro số 1. Tuyến này xây xong đưa vào sử dụng năm 2024 nhưng hiện nay vẫn chưa đâu vào đâu, chưa kết nối được các tuyến xe buýt, hiệu quả kinh tế và đóng góp ngân sách chưa thấy.
Kiến trúc sư này cho rằng đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) thì khi thực hiện dự án, đô thị phải hình thành dọc theo, lượng người đảm bảo 60 - 70% hành khách mỗi ngày để đem lại hiệu quả. Những dự án, quỹ đất hai bên phải giúp trả lại ngân sách TP đã bỏ ra.
"Chúng ta đừng tham lam làm nhiều quá. Mục tiêu quan trọng là phải hướng đến việc nâng cao số dân sử dụng giao thông công cộng chứ không phải nâng cao số tuyến. Chiến lược không phải làm cho thật nhiều mà tuyến nào ra tuyến đó, thu hồi được ngân sách, đem lại hiệu quả", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng TP.HCM phải tránh hình thành các tuyến TOD sai lầm, không khởi công khi chưa có 100% đất sạch. Không giải tỏa xong mà khởi công thì đất sẽ tăng giá từng ngày, càng khó hơn.
11 tuyến metro theo quy hoạch dự kiến:
Tuyến 1: giữ nguyên đoạn Suối Tiên - Bến Thành và lấy một phần đoạn tuyến của tuyến 3A từ Bến Thành đến ngã sáu Cộng Hòa, sau đó kéo dài về phía tây đến ga Vĩnh Lộc tạo thành một tuyến xuyên tâm.
Tuyến 2: giữ một phần ban đầu, kéo dài về phía đông đến Long Trường (dùng chung ray với tuyến Thủ Thiêm - Long Thành), phía bắc đi đến quốc lộ 22 (đoạn ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) rồi rẽ phải đi theo hướng qua Bình Dương.
Tuyến 3: nối tuyến 3A và 3B tạo thành một tuyến xuyên tâm (một phần đoạn tuyến 3A từ ngã sáu Cộng Hòa đến Bến Thành được chuyển thành tuyến số 1 kéo dài).
Tuyến 4: giữ một phần hướng tuyến ban đầu và kéo dài tuyến lên khu vực Hóc Môn, điều chỉnh hướng tuyến vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến 5: giữ nguyên theo ban đầu và kéo dài về phía đông, đi theo lộ trình của tuyến BRT Thủ Đức, sau đó rẽ thành hai nhánh (nhánh trái đi Long Phước để vào Vinhomes Grand Park, nhánh phải theo lộ trình của BRT Thủ Đức).
Tuyến 6: giữ một phần tuyến số 6, kéo dài vào sân bay Tân Sơn Nhất, đi theo hướng Thủ Đức và kết hợp với đường metro P3, sau đó dọc theo Kênh Đôi và khép kín để tạo vành đai hoàn chỉnh.
Tuyến 7 (monorail 2): thay thế tuyến monorail số 2, hướng tuyến đi theo một phần của hướng tuyến monorail, sau đó đi lệch về phía nam đường Nguyễn Văn Linh, đi vào Thủ Thiêm và kéo dài về Vinhomes Grand Park.
Tuyến 8 (monorail 3): thay thế tuyến monorail số 3 và phía nam kéo dài về ga Hòa Hưng, phía bắc kéo dài lên Hóc Môn.
Tuyến 9: tuyến đề xuất mới. Hướng tuyến: ga An Bình - ga Bình Triệu - Nơ Trang Long - Lê Văn Duyệt - Võ Thị Sáu - ga Hòa Hưng - Tô Hiến Thành - Trung tâm TDTT Phú Thọ - Âu Cơ - Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - Vĩnh Lộc A.
Tuyến 10: dựa vào tuyến metro P2 Thủ Đức, kéo dài tạo thành vành đai. Hướng tuyến: ga Thủ Thiêm - Trương Văn Bang - Cát Lái - Tam Đa - Long Phước - Khu CNC (D1) - Linh Trung - quốc lộ 1A - ngã tư Bình Phước - An Phú Đông - sông Vàm Thuật - kênh 19/5 - kênh Tham Lương - Mã Lò - KCN Tân Tạo - Khu y tế KTC Bình Tân - Hồ Học Lãm - Trịnh Quang Nghị - Phong Phú - Nhơn Đức - Nguyễn Bình - Đào Trí - Tân Thuận - ga Thủ Thiêm.
Tuyến tramway/LRT: bến xe miền Tây hiện hữu - Lý Chiêu Hoàng - Võ Văn Kiệt - Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Ba Son - đi theo đường ven sông Sài Gòn.
Thông tin thời điểm vận hành metro số 1 được ông Nguyễn Trung Hiếu - phó giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị số 1 - nêu ra tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội chiều 9-11.