Sáng 11/1, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho hay đang phối hợp với các bên liên quan để xử lý việc ông Trịnh Văn Quyết giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào hôm qua nhưng không công bố thông tin trước.
Theo quy định, ông Quyết với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC phải báo cáo với cơ quan quản lý thị trường về kế hoạch thoái vốn tối thiểu ba ngày làm việc trước ngày dự kiến giao dịch, tức ngày 5/1. Điều này nhằm tạo sự công bằng cho những nhà đầu tư không phải là người nội bộ của doanh nghiệp.
Văn bản ông Quyết thông báo bán 175 triệu cổ phiếu cũng đề ngày 5/1, nhưng SSC cho biết chỉ nhận được thông tin này vào cuối buổi chiều 10/1. Trong thời gian này, website của Tập đoàn FLC hay Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM – nơi doanh nghiệp niêm yết – cũng không đăng thông tin.
Theo Nghị định 128 có hiệu lực đầu năm nay về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, người nội bộ hoặc cổ đông lớn không báo cáo về giao dịch dự kiến, có thể chịu 8 mức phạt, thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 3-5% giá trị giao dịch thực tế nếu giao dịch đó hơn 10 tỷ đồng.
Vì loại chứng khoán ông Quyết giao dịch là cổ phiếu nên giá trị giao dịch được tính theo mệnh giá, trong trường hợp này sẽ tương đương 748 tỷ đồng. Mức xử phạt tối đa theo cách tính này khoảng 37,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định thêm, mức phạt tối đa với cá nhân là 1,5 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng ông Quyết chỉ phải nộp phạt 1,5 tỷ đồng cho đợt bán chui cổ phiếu.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng mức phạt này không thuyết phục và chỉ "gãi ngứa" người đứng đầu Tập đoàn FLC.
Hôm qua, thị giá FLC có thời điểm chạm trần 24.100 đồng, kéo dài chuỗi tăng mạnh từ tháng 12/2021 trước khi đảo chiều vì áp lực chốt lời cuối ngày. Ông Quyết có thể thu khoảng 1.800 tỷ đồng nếu bán tại đỉnh. Và như vậy, quyết định phạt 1,5 tỷ đồng chưa đến 0,1% giá trị giao dịch.
Giả sử thông tin ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu được công bố rộng rãi ngày 5/1, sau đó nhà đầu tư phản ứng mạnh thông qua việc chốt lời và khiến cổ phiếu giảm sàn ba phiên liên tiếp thì số tiền doanh nhân này thu về có thể ít hơn nhiều. Cụ thể, nếu thị giá rớt hết biên độ ba phiên 6-10/1 (ngày 8 và 9 rơi vào cuối tuần nên thị trường không giao dịch) thì giá cổ phiếu chỉ còn 16.100 đồng. Số tiền ông Quyết thu được khi đó chỉ khoảng 1.200 tỷ đồng.
Thực tế cho kịch bản này có thể xảy ra bởi sau khi thông tin bán cổ phiếu chính thức được công bố, FLC sáng 11/1 có thời điểm giảm hết biên độ với khối lượng giao dịch cao kỷ lục.
Với giả định lạc quan hơn là thông tin công bố ngày 5/1 và cổ phiếu giữ tham chiếu suốt ba phiên, tức 20.000 đồng, thì khoản tiền thu được cũng chỉ xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) chiều 11/1 cho rằng, ông Quyết thu lợi bất chính từ giao dịch này nên đề nghị tịch thu khoản chênh lệch để sung vào ngân sách Nhà nước. Tổ chức này cũng muốn SSC chỉ đạo công ty chứng khoán phong toả tài khoản chứng khoán của ông Quyết và buộc doanh nhân này mua lại cổ phiếu đã bán.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM đánh giá, việc xác định chính xác khoản thu bất chính từ giao dịch này tương đối khó. Ông đồng quan điểm về việc mức phạt hành chính không đủ sức răn đe, nhưng bổ sung thêm tình huống nếu SSC phát hiện dấu hiệu phạm tội từ hành vi của ông Quyết, có thể chuyển sang cơ quan điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 209 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo quy định, cá nhân nào công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong giao dịch chứng khoán khiến nhà đầu tư thiệt hại 1-3 tỷ đồng, thu lợi bất chính 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc đã bị xử phạt nhưng tái phạm có thể chịu án phạt tiền đến 500 triệu, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù ba tháng đến hai năm.
Ông Hậu cho rằng nếu SSC không giải quyết thấu đáo vi phạm của người đứng đầu Tập đoàn FLC có thể tạo ra tiền lệ xấu về thi hành các luật liên quan đến chứng khoán. "Hành vi này làm lũng đoạn thị trường, khiến thị trường ngày càng kém minh bạch", ông nói.
Phương Đông