Sáng 6-9, nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho hay năm 2023, qua báo cáo của nhóm nghiên cứu về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng hơn so với các năm trước.
"Càng nhiều tiền thì càng không sợ cái gì hết"
Ông chỉ rõ thực tế Chính phủ đã làm rất nhiều, rất quyết liệt và có những trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cố gắng rất nhiều và có những việc nỗ lực vượt bậc.
"Nhưng tại sao việc vi phạm pháp luật và tội phạm không ngừng tăng, đã gây ra những khó khăn cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...?", ông Kim đặt vấn đề.
Ông dẫn lại câu chuyện "phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc" và từ xưa tới nay, phú quý sinh lễ nghĩa là điều tốt. Có giúp sẽ có cảm ơn, có nhân, có nghĩa với nhau, sống tử tế với nhau thì không có gì cả.
"Nhưng tại sao thời gian vừa qua cái này rất khác, hoàn toàn thay đổi ý nghĩa của việc này. Người càng giàu lại muốn giàu thêm. Càng nhiều tiền thì càng không sợ cái gì hết.
Quà cảm ơn gì mà nhiều thế, gợi ý đến 2-3 lần để lấy về hàng triệu USD. Trời ơi, không thể chịu đựng nổi. Đạo đức suy đồi.
Đó là bài học cho các nhà lãnh đạo, quản lý và phải thấm thía điều đó để quản trị đất nước...", ông Kim nêu.
Ông cũng chỉ rõ qua xử lý vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu càng cho thấy các hành vi phạm tội "kinh khủng quá".
Họ là ai? Là bộ máy, tổ chức quản lý?
Theo ông Kim, một trong các nguyên nhân là đạo đức xã hội xuống cấp. Bên cạnh đó, đi sâu vào bộ máy, tổ chức và cán bộ cũng là một nguyên nhân sinh ra "bức tranh xấu xí".
Ông nhắc lại nhóm nghiên cứu đề cập đến báo cáo của Chính phủ về tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng tới 71,6% về số vụ, tăng 116,7% về số đối tượng. Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ bị phát hiện tăng tới 312,5%. Như vậy, nhức nhối quá.
"Có phải đây là vùng cấm trước đây không sờ vào, những đối tượng ngoại lệ không dám đụng, bây giờ dám đụng nên lòi ra nhiều thế này?
Có phải ngoài Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, còn ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nữa nên lôi ra được nhiều hơn không? Trước ẩn nấp kỹ quá, bây giờ vào tận hang ổ thì chúng ta thấy nhiều quá?
Nhóm nghiên cứu nói một câu tôi thấy rất đau "họ đã lợi dụng triệt để lỗ hổng pháp luật để tham nhũng". Họ là ai? Là bộ máy, tổ chức quản lý", ông Kim nói thêm.
Trước đó, cùng thảo luận về tội phạm tham nhũng, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông, ủy viên Ủy ban Tư pháp) đặt vấn đề vì sao những năm qua Đảng, Nhà nước cương quyết phòng, chống với phương châm "không có vùng cấm, ngoại lệ" nhưng số vụ vẫn tăng.
"Chúng ta làm mạnh hay là tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn luật, hay chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh? Nếu đúng như vậy, phải nghiên cứu sửa luật, sửa các quy định về hình phạt đối với loại tội phạm này", ông Mai nêu.
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp
Trước đó, báo cáo của Chính phủ nêu rõ các cơ quan đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Điển hình là các vụ án FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á, Vạn Thịnh Phát, AIC. Chính phủ cũng nhận định tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với TS ĐINH VĂN MINH - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua nhìn từ vụ Việt Á và "chuyến bay giải cứu".