Đó là ngày thứ 5 tuần lễ thứ 3 của tháng 11 hằng năm. Một ngày sinh nhật đặc biệt, vì nó không bất di bất dịch, nó tương tự như "Ngày của Mẹ" ở Mỹ.
Tôi may mắn trong lần đầu sang Pháp dự một liên hoan thơ quốc tế tại Paris năm 2003. Tôi đã được uống chai rượu vang tươi Beaujolais Nouveau đúng vào sinh nhật của rượu vang Pháp, ngày thứ 5 của tuần lễ thứ 3 tháng 11 năm ấy.
Đúng ngày lễ hội rượu vang, nhưng tôi không tham gia lễ hội, mà uống vang tươi Beaujolais Nouveau tại quán Foyer Viet Nam số 80 phố Monge quận 5 Paris. Với chủ quán Võ Văn Thận, với nhà văn Đặng Tiến, với hai giáo sư toán học là anh Nguyễn Ngọc Giao và anh Hà Dương Tường, chúng tôi đã mở một lúc mấy chai vang tươi lạnh… hôi hổi, và uống theo đúng kiểu uống vang tươi: uống trong vại lớn, như uống bia tươi.
Cảm giác đầu tiên khi được uống chai vang tươi thật kỳ lạ: cứ như cả mùa nho của nước Pháp ùa vào cổ họng mình. Bao nhiêu tươi tốt, an lành, mát rượi khiến mình… choáng. Ngày sinh của một chai vang, của những cánh đồng nho nước Pháp sao mà đầy cảm xúc!
Chỉ trong 10 ngày, từ những chùm nho tươi nguyên quả và nguyên cuống trên những cánh đồng nước Pháp, rượu vang đã được đóng vào chai và phục vụ người sành vang trên toàn thế giới. Tôi nhìn kỹ chai vang tươi Beaujolais, nó thật giản dị, y như sự giản dị của một chùm nho tươi. Mùa thu nước Pháp đấy! Nào ai dám bảo mùa thu buồn? Mùa thu sinh nhật rượu vang, vui nổ trời ấy chứ!
Cả nước Pháp như ngây ngất trong không khí lễ hội, ngây ngất trong mùi vang tươi thân gần và quyến rũ. Chỉ có lao động giản dị, chỉ có người lao động giản dị mới tạo ra được những ngày lễ hội, ngày sinh nhật như ngày sinh rượu vang tươi "Beaujolais Nouveau" ấy.
Với vang tươi, mùa thu nước Pháp không chỉ có lá vàng rụng trên thảm cỏ xanh các công viên, còn có niềm hứng khởi mỗi năm chỉ đến một lần. Chỉ cần "một giọt vang" ấy, cộng với trời và mây mùa thu, tôi đã được tiếp thêm rất nhiều năng lượng sống.
Chợt nhớ, ở Việt Nam mình, ngày trước cũng có lễ hội đặc trưng của một đất nước nông nghiệp, của những cánh đồng lúa nước. Đó là "Tết cơm mới", mừng mùa gặt. Ngày ở miền Bắc lúc còn đi học, tôi đã được thưởng thức những lễ hội cơm mới này. Giản dị thôi, nhưng cũng rất vui.
Vì là cơm, dù là cơm mới, thì cũng không thể chỉ ăn cơm không, như uống rượu vang được. Cũng phải có mâm cơm, có thức ăn, dù khiêm nhường, trước cúng ông bà, sau cả nhà cùng ăn bữa cơm gạo mới.
Tôi không thể quên mùi thơm của cơm gạo mới ngày ấy. Bây giờ, rất khó tìm lại mùi thơm thật quyến rũ ấy, vì các giống lúa hiện đại cộng với đất đai thời này đã làm giảm tối đa mùi thơm tự nhiên hoang dại ấy.
Những người nông dân, dù là nông dân trồng nho hay nông dân cấy (trồng) lúa, đều có vẻ hồn nhiên bẩm sinh của những sản phẩm họ gieo trồng. Vẻ hồn nhiên ấy thấm trong mùi hương của rượu nho, của cơm mới.
Đó là "hồn quê" chăng?