Chúng ta thường xuyên gặp bế tắc trên con đường phát triển sự nghiệp và không biết làm sao để thay đổi hoàn cảnh khó khăn của mình.
Ở tuổi 37, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài điều mà tôi rút ra được sau khi mắc phải sai lầm. Đó là những bài học kinh nghiệm xương máu của tôi, có lẽ nó sẽ giúp ích cho các bạn:
1. Sếp là người ảnh hưởng nhiều nhất đến nhận thức của bạn về công ty
Thái độ của sếp đối với công ty và cách họ cư xử với bạn sẽ quyết định cách nhìn nhận tổng thể của bạn về công ty.
Tuy văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng, nhưng những nhà quản lý mới là người đóng vai trò chính trong nền văn hóa đó.
Bạn có thể làm việc tại một nơi có văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời, nhưng nếu sếp của bạn là một người độc hại thì điều đó chẳng còn ý nghĩa gì.
Ở vị trí hiện tại, tôi đã làm việc cùng 4 người sếp và mỗi người mang đến cho tôi một cảm nhận khác biệt về công ty của mình. Nếu làm việc cùng một người quản lý tích cực, bạn cũng sẽ tích cực theo. Nhưng nếu họ luôn phàn nàn hoặc nói xấu về công ty, bạn có xu hướng trở nên tiêu cực.
Ngay từ buổi phỏng vấn, nếu bạn có ấn tượng không tốt về nhà tuyển dụng thì bạn nên từ bỏ công việc đó hoặc cân nhắc về quyết định của mình. Hay nếu bạn đang ở trong tình huống này, tôi nghĩ bạn nên lập kế hoạch để rời bỏ công việc hiện tại càng sớm càng tốt.
Hãy cân nhắc cẩn thận trước mỗi bước đi sự nghiệp và vạch ra chiến lược cho các mục tiêu dài hạn hơn là chạy theo một công việc có mức lương cao trong ngắn hạn.
2. Thay đổi công việc quá thường xuyên
Nếu bạn quyết định nhảy việc để có mức lương cao hơn, hãy cân nhắc đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi phải tăng thời gian làm việc.
Nếu bạn đang làm một công việc với mức lương 60.000 USD cho 40 giờ mà muốn chuyển sang làm một công việc khác với mức lương 80.000 USD cho 50 giờ thì đó không phải là một mức lương lý tưởng. Đặc biệt khi bạn là một người coi trọng thời gian.
Tôi khuyên bạn chỉ nên nhảy việc khi muốn thay đổi môi trường văn hóa doanh nghiệp, hay muốn học hỏi kỹ năng mới và tìm cơ hội thăng tiến chứ không phải chỉ vì tiền lương.
Nếu thay đổi công việc quá nhiều, có thể bạn sẽ gặp rắc rối nếu năng lực chưa phù hợp với mức lương được trả.
Hãy tưởng tượng bạn đang làm một công việc có mức lương 100.000 USD nhưng lại chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm, đó quả thực là một thảm họa!
3. Bạn có thể mất đi công việc bất cứ lúc nào
Nhiều người đang lăm le vị trí mà bạn đang ngồi, vì vậy hãy làm việc như thể bạn sắp mất đi công việc của mình. Hãy luôn tỏ ra tự tin nhưng đừng bao giờ tự mãn hay chuyên quyền.
Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể sẽ bị thay thế bởi một người khác. Tuy nhiên, đây không phải khía cạnh tiêu cực mà là một lời nhắc nhở để chúng ta làm việc thật tốt và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân.
4. Đừng làm việc tại nơi mà bạn là người giỏi nhất
Nếu bạn là người giỏi nhất tại nơi làm việc thì bạn chưa đến đúng chỗ. Thật khó để học hỏi và phát triển sự nghiệp nếu xung quanh không có những người giỏi giang, nhiều kinh nghiệm và thông minh hơn bạn.
Đừng hiểu sai ý tôi, việc hướng dẫn người khác rất bổ ích và nó giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba. Thật tốt khi là người giỏi nhất, nhưng ai sẽ là người chỉ cho bạn những điều cần làm tiếp theo?
5. Lập kế hoạch cho tương lai
Điều tốt nhất bạn có thể làm để hoàn thiện bản thân là tìm ra nhu cầu tài chính của mình.
Khi các chi phí như tiền thuê nhà và ăn uống đã được thanh toán, bạn có thể sử dụng số tiền còn lại cho những điều bạn muốn làm tiếp theo.
Cho đến lúc đó, bạn nên dùng tiền để hoàn thành kế hoạch tương lai thay vì tiêu dùng cho những thứ mà bạn hứng thú. Một thế giới mới sẽ mở ra nếu bạn đạt được những mục tiêu mà mình đề ra.
Tuy rằng còn rất nhiều bài học mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, nhưng đây chính là 5 bài học mà tôi tâm đắc nhất.
Dù là hôm nay, ngày mai hay trong tương lai thì môi trường làm việc vẫn luôn ảnh hưởng tới chúng ta. Nếu bạn muốn được làm việc và phát triển, hãy tiếp tục học hỏi và tìm thêm cơ hội mới!
Mộc Dương
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị