WB nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm nay, so với mức tăng 5,5% trong năm ngoái, nhưng cảnh báo những tác động do sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể khiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh xuống đến 3,4%.
Các mức dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm ngoái đều giảm 0,2 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra hồi tháng 6/2021.
WB cảnh báo các rủi ro suy giảm có thể làm ảnh hưởng đến các dự báo, trong đó có những gián đoạn về kinh tế do biến thể Omicron, các nút thắt cổ chai về nguồn cung và các cú sốc giá cả ngắn hạn làm thay đổi các dự báo dài hạn về lạm phát.
Chủ tịch WB, David Malpass, lo ngại về thiệt hại to lớn của đại dịch đối với người dân ở các nước nghèo. Ông nói tới những tác động lâu dài đến sự phát triển.
Trong khi đó, người đứng dầu bộ phận dự báo của WB, Ayhan Kose, cho rằng biến thể Omicron không khiến các nước áp dụng nhiều hạn chế như đợt bùng phát ban đầu, nhờ đó tác động có thể nhẹ hơn. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu dịch kéo dài và số ca nhiễm vẫn cao, tiếp tục gây sức ép lên hệ thống y tế, tăng trưởng kinh tế của toàn cầu sẽ giảm.
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ không tránh được tác động kinh tế do sự lây lan của biến thể Omicron.
Mức tăng trưởng dự báo của kinh tế Mỹ năm 2022 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 3,7%, còn năm 2023 được điều chỉnh tăng nhẹ lên 2,6%, khi các khoản tiết kiệm được sử dụng, sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ giảm đi và các nút thắt của chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ.
WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2021 từ 6,8% xuống 5,6%.
Với kinh tế Trung Quốc, dự báo tăng trưởng năm 2022 bị hạ 0,3 điểm phần trăm, xuống 5,1%, so với mức tăng trưởng 8% trong năm 2021.
Theo báo cáo, nguy cơ khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản và những tác động đến giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương là rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.