Tháng 7/2020, cộng đồng đầu tư tròn mắt kinh ngạc khi cổ phiếu Kodak tăng đột biến dù nhà sản xuất phim chụp lừng lẫy một thời đang điêu đứng vì sự ra đời và phát triển của máy ảnh kỹ thuật số.
Giá cổ phiếu Kodak đóng cửa ở mức 2,62 USD phiên 27/7, một ngày trước khi chính quyền Trump thông báo cho công ty này vay 765 triệu USD để để giúp Kodak chuyển sang sản xuất nguyên liệu cho dược phẩm. Đến 29/7, Kodak vụt lên 60 USD/cp trước khi đóng cửa ở mức 33,2 USD, theo Reuters.
Kodak không duy trì được đà tăng sau khi có báo cáo rằng Chủ tịch và các lãnh đạo cao cấp của công ty đã mua hàng chục nghìn cổ phiếu ngay trước ngày có thông báo về khoản vay.
Chính phủ Mỹ đã hoãn kế hoạch phê chuẩn khoản vay cho Kodak. Theo Reuters, văn phòng tổng chưởng lý New York cũng dự định mở cuộc điều tra về giao dịch nội gián chống lại Kodak và ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhưng cáo buộc một người giao dịch nội gián không phải việc đơn giản. Xét cho cùng thì một người trong doanh nghiệp, đặc biệt là các giám đốc cấp cao, sẽ luôn có nhận định về tình hình công ty tốt hơn người ngoài.
Vậy đâu là một số ví dụ đình đám nhất về lãnh đạo doanh nghiệp mua bán chứng khoán dựa trên thông tin mà công chúng không có? Dưới đây là 5 trong số những vụ việc đình đám nhất trong thế giới tài chính:
1. Xào nấu sổ sách
Trong vô số tội danh mà Jeffrey Skilling bị kết án khi làm Giám đốc tài chính tại Enron, giao dịch nội gián là sai trái nhất. Đầu tiên Skilling lừa đảo nhà đầu tư với việc che giấu các rắc rối tài chính nghiêm trọng của công ty. Hành vi giao dịch nội gián diễn ra khi ông ta bắt đầu xả cổ phiếu của mình.
Là Giám đốc tài chính và một trong những người xào nấu sổ sách của Enron, Skilling biết công ty bóng bẩy bên ngoài nhưng mục ruỗng bên trong, còn nhà đầu tư thì không. Năm 2006, thẩm phán liên bang phán Skilling phạm 19 tội danh, trong đó có giao dịch nội gián. Ông bị tuyên án 24 năm tù và phạt 45 triệu USD. Sau vài lần kháng cáo, cuối cùng ông ta bóc lịch 12 năm và ra tù vào năm 2019.
Điểm đáng chú ý: Theo GOBanking Rates, nếu Skilling chịu thừa nhận với cộng đồng đầu tư rằng ông ta cố tình lừa họ thì vẫn sẽ bị kết án theo 18 tội danh khác – nhưng sẽ không bị luận tội giao dịch nội gián.
2. Tuồn tin cho người tình
James McDermott Jr. dường như có cuộc sống đáng mơ ước, kiếm 4 triệu USD mỗi năm với tư cách Chủ tịch và CEO của ngân hàng đầu tư Phố Wall Keefe, Bruyette & Woods. Tuy nhiên, vẻ ngoài nghiêm túc của ông ta chỉ để che giấu sự thật.
Năm 1999, McDermott bị bắt với cáo buộc luồn tin mật về 5 vụ sáp nhập ngân hàng cho tình nhân là diễn viên phim nóng Kathryn Gannon. Nhờ giao dịch dựa trên thông tin này mà cô ta kiếm được 80.000 USD, và điều này khiến McDermott bị bắt. Ông nhận tội giao dịch nội gián và ở sau song sắt 5 tháng.
Điểm đáng chú ý: Trường hợp của McDermott cho thấy các giao dịch đáng ngờ trong số những người thân cận của một lãnh đạo – bao gồm cả tình nhân – cũng có thể bị cơ quan giám sát để ý.
3. Bố con cùng thoát hàng
Samuel Waksal, cựu CEO Imclone bị kết án 87 tháng tù và phạt 3 triệu USD sau khi nhận 6 tội danh, bao gồm giao dịch nội gián và lừa đảo. Waksal bán cổ phiếu sau khi biết rằng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ từ chối đơn đăng ký thuốc chữa ung thư mới của công ty là Erbitux.
Một người khác nhanh chân bán ImClone trước khi giá cổ phiếu lao dốc là biểu tượng truyền thông Martha Stewart. Người môi giới của Stewart đã mật báo cho bà rằng một số khách hàng lớn khác của ông ta, bao gồm CEO ImClone và con gái ông ta, đang bán tống cổ phiếu trước khi tin dữ từ FDA lộ ra.
Stewart nhanh chóng xả cổ phiếu để tránh khoản lỗ lớn. Bà bị kết án 10 tháng và bị phạt 30.000 USD. Người môi giới chứng khoán của bà là Peter Bacanovic cũng bị kết tội.
Điểm đáng chú ý: Stewart đã trở lại giới truyền thông và khẳng định rằng trải nghiệm trong tù đã dạy bà không nghe theo bất kỳ tin mật chứng khoán tốt một cách đáng ngờ nào.
4. Cuộc điều tra gay gấn
Raj Rajaratnam là nhà sáng lập quỹ đầu cơ hùng mạnh một thời Galleon Group. Công ty tan rã sau khi Rajaratnam bị bắt năm 2009 với cáo buộc âm mưu giao dịch chứng khoán bằng thông tin nội gián. Âm mưu này có thể mang lại cho công ty lợi nhuận khoảng 20 triệu USD.
Tòa án kết tội Rajaratnam với 9 tội danh gian lận chứng khoán và 5 tội danh âm mưu trong cuộc điều tra sâu rộng nhất về giao dịch nội gián tại các quỹ đầu cơ từ trước đến nay. Bản án của ông kéo dài 11 năm. Một cựu giám đốc của Goldman Sachs cũng bị kết tội vì cung cấp cho Rajaratnam các tin mật, CNBC cho biết.
Điểm đáng chú ý: Vụ việc của Rajaratnam đánh dấu lần đầu tiên các điều tra viên sử dụng máy nghe lén để phát hiện nghi phạm giao dịch nội gián. Đoạn ghi âm cho thấy Rajaratnam liên tục thảo luận về thông tin nội bộ với bạn bè và đồng nghiệp.
5. Lòng tốt không đúng chỗ
Scott London từng là đối tác tại KPMG, một trong các "Big Four" kiểm toán các doanh nghiệp lớn. London có một người bạn chơi golf tên Bryan Shaw đang kinh doanh một công ty đá quý gặp khó khăn. Nhìn thấy cơ hội giúp đỡ bạn mình - và giả định rằng số tiền lời bất hợp pháp sẽ tương đối nhỏ - London bắt đầu truyền cho Shaw tin mật để kiếm thêm chút tiền.
Các điều tra viên xác định Shaw kiếm lời bất chính đến 1,27 triệu USD trên thị trường. London khẳng định ông không biết bạn mình kiếm được nhiều tiền đến vậy nhưng lại chấp nhận tiền mặt và các món quà đắt tiền từ Shaw tổng trị giá 70.000 USD.
Cuối cùng, London bị kết án năm 2013 và phải ăn cơm tù 14 tháng vì giao dịch nội gián. Shaw nhận án nhẹ hơn 5 tháng tù sau khi đồng ý hợp tác với chính quyền.
Điểm đáng chú ý: Vụ việc của London cho thấy vì sao luật pháp chống giao dịch nội gián lại quan trọng đến vậy. Trên bề ngoài, ý định giúp đỡ bạn bè của London có vẻ không quá xấu. Nhưng thực tế là Shaw đã kiếm lãi dựa trên thua lỗ từ những nhà đầu tư khác. Do đó có thể London đã bị Shaw qua mặt, nhưng việc chỉnh đốn hành động của ông ta là cần thiết để tạo ra sự công bằng trên thị trường.