Liên quan việc hàng loạt các địa phương xin bổ sung các dự án điện, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió vào Quy hoạch Điện VIII, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định "không thể đáp ứng được hết các yêu cầu".
Quy hoạch Điện VIII dự kiến báo cáo Thủ tướng trong quý I.2021
Thông tin về việc hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tại Tờ trình số 1682 ngày 26.3.2021 và Tờ trình 6277 ngày 8.10.2021.
Tuy nhiên, tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050. Đồng thời, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng đưa ra quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Vì thế, Bộ Công Thương hiệu chỉnh Quy hoạch Điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian để phát triển cho các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, với chi phí sản xuất hợp lý, đảm bảo lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính ra môi trường.
"Chúng tôi đang hiệu chỉnh Quy hoạch Điện VIII và dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý I.2022", ông Bùi Quốc Hùng nói.
Các địa phương đồng loạt xin bổ sung các dự án điện, Bộ Công Thương nói "không thể đáp ứng hết"
Trả lời về một số địa phương bổ sung các dự án điện, nhất là các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch Điện VIII, ông Bùi Quốc Hùng cho hay, Bộ Công Thương nhận được rất nhiều đề nghị từ các địa phương về việc bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch Điện VIII, nhất là những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời và điện gió.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát triển số lượng rất lớn điện mặt trời và điện gió. Trong khi, năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với một tỉ lệ phù hợp, đảm bảo kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải.
"Vì thế, chúng tôi cũng không thể đáp ứng được hết yêu cầu của các địa phương. Cho nên trong Quy hoạch Điện VIII sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực với nhu cầu cả các địa phương", ông Hùng thông tin.
Bày tỏ quan điểm về việc lựa chọn nhà đầu tư khi hàng loạt địa phương xin bổ sung các dự án điện, trao đổi với Lao Động, ông Soren Ranneries - Giám đốc cấp cao, Kỹ sư trưởng, Tập đoàn COP - cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi cần được xem xét dựa trên kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự của nhà đầu tư ở các thị trường khác; kế hoạch về chuỗi cung ứng cho dự án; chứng minh về năng lực tài chính của nhà đầu tư.
"Đây là những yếu tố quan trọng mà Việt Nam nên tham khảo" - ông Soren Ranneries nói. Đồng thời ông cho biết, ở Anh, nhà phát triển nếu muốn thực hiện dự án cần đưa ra các cam kết về chi phí. Ở Đan Mạch, nhà đầu tư cần đưa ra những cam kết nhất định về việc phát triển dự án và hoàn thành dự án đúng hạn. "Tôi không chắc 100% phương án nào thích hợp cho Việt Nam, nhưng có khá nhiều phương án trên thị trường" - ông Soren Ranneries chia sẻ.
Ông Sean Huang - Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners, đơn vị đang phát triển dự án điện gió La Gàn dẫn kinh nghiệm từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) - nơi mà ông đã từng làm việc, thì quy trình lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:
Nhà đầu tư phải thực hiện việc khảo sát, đánh giá tác động môi trường, chứng minh năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án và đưa ra các cam kết cụ thể về dự án đó.
Ngoài ra, cần yêu cầu mở văn phòng đại diện, thực hiện các nghiên cứu ảnh hưởng của dự án đến hệ thống truyền tải, xin giấy phép từ nhiều cơ quan bộ ban ngành. Trong quá trình xin cấp phép cần chứng minh được năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án. Điều này được thể hiện bằng các hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ.