Đầu tư hơn 100 tỷ/năm nhưng không thể giúp CLB vô địch V.League
Sau thời gian dài lận đận với cuộc đua trụ hạng, CLB Thanh Hóa đã bắt đầu có "bước nhảy vọt", trở thành ứng viên trong cuộc đua vô địch V.League kể từ khi "kết duyên" với tập đoàn FLC của ông bầu Trịnh Văn Quyết vào tháng 6/2015.
Ngay trong mùa đầu tiên, tập đoàn FLC của bầu Quyết đã đầu tư cho Thanh Hóa số tiền khoảng hơn 100 tỷ và đội bóng lập tực đạt được thành công nhất định với việc giành hạng ba ở V.League 2015, chỉ đứng dưới hai "đại gia" của V.League thời điểm đó là Bình Dương và CLB Hà Nội.
Đến mùa V.League 2016, dù vẫn nhận "bầu sữa" từ tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết nhưng Thanh Hóa thi đấu không thật sự thành công, chỉ xếp hạng 6 chung cuộc. Tuy nhiên, bầu Quyết sau đó đã tạo nên một cú sốc cho cả V.League khi đem về xứ Thanh nhà cầm quân từng dẫn dắt Red Star Belgrade vô địch cúp C1 châu Âu – HLV Ljupko Petrovic.
Ông Trịnh Văn Quyết từng đầu tư rất lớn cho CLB Thanh Hóa.
Cũng nhờ nguồn lực tài chính từ tập đoàn FLC, Thanh Hóa thực hiện một loạt những bản hợp đồng chất lượng cao như các ngoại binh Omar, Uche, Rimario, Van Bakel hay một số cầu thủ nội tên tuổi như Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh, Văn Bình, Đình Đồng, Tiến Thành, Đình Tùng, Vũ Minh Tuấn…
Có lực lượng hùng hậu trên cả băng ghế chỉ đạo lẫn đội ngũ cầu thủ, Thanh Hóa thi đấu ấn tượng hơn hẳn nhưng đáng tiếc là họ không thể giành ngôi vô địch mà chỉ đoạt Á quân V.League các mùa 207 và 2018. Đặc biệt là mùa giải 2017, Thanh Hóa bằng điểm với Quảng Nam nhưng không đoạt ngôi vương do kém đối thủ về chỉ số phụ.
Tỷ phú nổi giận, dọa bỏ V.League vì "không vui"
Phải nói rằng dưới "triều đại" của bầu Quyết thì Thanh Hóa là một trong những thế lực thực sự của V.League từ nguồn lực tài chính đến sức mạnh trên sân cỏ. Thế nhưng, việc Thanh Hóa không thể chinh phục chiếc cúp vô địch V.League cũng là sự tiếc nuối lớn nhất của ông bầu sinh năm 1975 khi đầu tư vào bóng đá.
Có thời điểm, bầu Quyết từng dọa bỏ V.League giữa chừng vì "không vui". Cụ thể ở mùa giải 2017, tiền đạo Omar bị Ban Kỷ luật VFF phạt 30 triệu và treo giò 8 trận. Phản ứng với quyết định được cho là nặng của Ban Kỷ luật, bầu Quyết đã đăng đàn bày tỏ quan điểm riêng và tuyên bố: "Nếu Ban Kỷ luật vẫn giữ nguyên cách xử lý như vậy thì tôi cảm thấy không thể còn duy trì được niềm tin để tiếp tục đồng hành với bóng đá Việt Nam...".
Ông Trịnh Văn Quyết từng tuyên bố bỏ V.League sau vụ Omar bị phạt nặng.
Trước động thái của ông Quyết, Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng tỏ ra cứng rắn: "Nếu FLC Thanh Hoá bỏ giải, chúng tôi chỉ cần 15 phút để sắp xếp lại giải đấu, không có khó khăn gì".
Sau đó, Ban giải quyết khiếu nại của VFF đã tiến hành xem xét trường hợp của Omar và quyết định giảm án phạt từ treo giò 8 trận xuống còn treo giò 6 trận.
Chia ly thật vì "bóng đá quá phức tạp"
Kết thúc mùa giải 2018, ông Trịnh Văn Quyết đã nói lời chia tay với bóng đá Thanh Hóa sau 4 năm đầu tư với số tiền lớn mà không thể giúp đội bóng đoạt chức vô địch. Lý do mà ông Quyết đưa ra để giải thích cho quyết định này không nằm ở vấn đề danh hiệu của đội bóng mà ông cho rằng mình rút lui bởi môi trường bóng đá "quá phức tạp".
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết từng trải lòng với báo giới: "Mỗi năm, chúng tôi thực chi cho đội bóng Thanh Hoá 105 tỉ đồng. Tỉnh chi trên dưới 30 tỉ đồng, tuỳ theo mức độ của giải đấu, nhưng tài trợ này phải ghi vào tài trợ đào tạo bóng đá trẻ chứ ngân sách không được tài trợ bóng đá chuyên nghiệp.
Khi tiếp quản bóng đá Thanh Hoá, đội còn nợ lương cả chị lao công cắt cỏ với mức 1,5 triệu/tháng. Người cắt cỏ là khổ nhất rồi mà nợ lương mấy tháng. Chúng tôi vào và đã trả tất cả. Sau đó chúng tôi đầu tư, mời các cầu thủ tốt. Cầu thủ từ ngoại binh đến nội binh, ai mà mua được thì chúng tôi mua hết.
Sau 4 năm chung tình với đội bóng Thanh Hoá, chúng tôi thấy chưa có duyên gắn bó thêm. Không phải vì nguồn kinh phí tài trợ mà vì rất phức tạp. Bóng đá rất phức tạp.
Chúng tôi làm quen với chính ngạch chuyên nghiệp rồi, nhìn chung là phức tạp trên mọi phương diện nên chúng tôi xin rút. Ở đây không phải do thiếu kinh phí hay bất ký lý do gì. Chúng tôi không theo đuổi làm bóng đá mà chỉ tài trợ cho bóng đá, và đóng góp góp bằng cách tài trợ vận chuyển cho các đội bóng, tài trợ cho Cúp Quốc gia".
Ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ bóng đá chuyên nghiệp sau 4 năm đầu tư
Trong một lần khác khi tiếp xúc với truyền thông, ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tỏ ý công kích hiện trạng "một ông chủ nhiều đội bóng" vốn tồn tại ở V.League từ nhiều năm qua:
"Ngoài tiền đầu tư, chúng tôi chịu thuế chồng thuế, phải đóng các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân cho các cầu thủ… Bấp cập thứ hai, ở đây vấn đề hơi nhạy cảm, tôi suy nghĩ lại và không thể chia sẻ hết được. Nhưng chúng tôi có đá thế nào cũng khó vô địch khi FLC chỉ có một đội bóng.
FLC Thanh Hoá trong mấy năm gần đây có thành tích hơn hẳn trước đây, thế nhưng chúng tôi nhận thấy, với cách điều hành bóng đá như hiện nay, dù cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể vô địch...".
Hồi giữa tháng 11/2018, ông Trịnh Văn Quyết cũng từng tiết lộ rằng FLC có tới ba lần gửi công văn xin trả đội bóng cho Thanh Hóa. Nhưng Tỉnh vẫn muốn doanh nghiệp này đầu tư, nên mọi chuyện phải mất khá lâu mới được giải quyết dứt điểm.
Việc "bầu" Quyết chia tay bóng đá chuyên nghiệp cũng ít nhiều để lại chút tiếc nuối và nó cũng phần nào phản ánh những bất cập trong môi trường bóng đá ở Việt Nam những năm qua.
Tiểu Mã
Pháp luật và bạn đọc