vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao Kazakhstan được nhiều nước lớn 'quan tâm'?

2022-01-13 08:49
Vì sao Kazakhstan được nhiều nước lớn quan tâm? - Ảnh 1.

Quang cảnh tại thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 10-1 sau những ngày diễn ra các đợt biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng - Ảnh: Reuters

Những cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu ban đầu đã trở thành chất xúc tác cho cuộc đấu tranh nội bộ giữa các phe phái chính trị ở Kazakhstan. Tổng thống Kazakhstan Tokayev mô tả sự việc là một "nỗ lực đảo chính" của các "phần tử vũ trang" và kết cục là sự can dự của các lực lượng bên ngoài.

Lần động binh hiếm hoi

Sự quan tâm nhanh chóng và đặc biệt của cả Nga, Trung Quốc phần nào là chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của Kazakhstan trong chính sách đối ngoại của các nước đó. Là láng giềng của cả Nga và Trung Quốc, nhưng vị thế địa - chính trị của Kazakhstan khiến nước này có một vai trò không chỉ là một láng giềng thông thường.

Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) gồm 6 thành viên trong đó có Kazakhstan, dưới ảnh hưởng của Nga, ngay lập tức có hội nghị cấp cao để bày tỏ ủng hộ với chính quyền Kazakhstan. Theo "đề nghị" của Tổng thống Tokayev, CSTO điều động hơn 2.000 binh lính đến lập lại trật tự, đánh dấu lần đầu tiên triển khai lực lượng quân đội trong 30 năm tồn tại của tổ chức này.

Với Nga, Kazakhstan không chỉ là đồng minh thân cận trong khối các nước Liên Xô cũ mà còn có vị trí then chốt đối với quân sự và khoa học của họ. Các căn cứ quân sự của Nga vẫn đóng tại Kazakhstan, để bảo đảm an ninh phía sườn Trung Á của Nga. Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan là nơi Nga sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu và thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ.

Việc Nga nhanh chóng điều động quân đội, dù là một lực lượng nhỏ, đến Kazakhstan là thông điệp cho các phe phái chính trị khác ở đây về sự hậu thuẫn của Nga với Tổng thống Tokayev, và những nỗ lực hòng thay đổi cán cân quyền lực ở Kazakhstan là đi ngược lợi ích của Nga. Đồng thời, quyết định này còn là thông điệp gửi ra bên ngoài, nhất là khi căng thẳng Ukraine đang gia tăng.

Tổng thống Putin đã nói lực lượng "gìn giữ hòa bình" hơn 2.000 người mà các nước gửi đến Kazakhstan sẽ còn ở lại đây cho đến khi nào "tổng thống Kazakhstan còn thấy cần thiết". Tranh chấp quyền lực nội bộ ở Kazakhstan đã cho Nga một cơ hội để củng cố thế đứng lâu dài ở Kazakhstan nói riêng và khu vực Trung Á nói chung.

Nỗ lực đa phương của Kazakhstan

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhanh chóng có thông điệp ủng hộ chính quyền Kazakhstan, nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực của Kazakhstan để giải quyết khủng hoảng. Ngoại trưởng Trung Quốc đã điện đàm với người đồng cấp Kazakhstan, khẳng định "sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh".

Với Trung Quốc, Kazakhstan không chỉ là nơi có nhiều dự án đầu tư và là tuyến huyết mạch trong sáng kiến "Vành đai và con đường". Với đường biên giới dài hơn 1.700km bao gồm vùng Tân Cương, Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại nguy cơ bất ổn sẽ lan sang khu vực này, nhất là nguy cơ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Do đó, việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác an ninh với Kazakhstan không chỉ để giúp ông Tokayev mà còn là để ngăn ngừa bất ổn từ xa.

Về phía Mỹ, có lẽ sự kiện này nhiều khả năng sẽ làm thay đổi sự cân bằng quyền lực hàng thập niên nay của Kazakhstan theo hướng không có lợi cho Mỹ. Kể từ khi tách khỏi Liên bang Xô viết, dù có quan hệ thân cận với Nga do những yếu tố lịch sử, Kazakhstan vẫn cố giữ thế cân bằng giữa các cường quốc.

Trong gần 30 năm dưới sự lãnh đạo của cựu tổng thống Nazarbayev, Kazakhstan đã thành công khi vừa là đồng minh thân cận của Nga vừa là đối tác kinh tế chiến lược của Trung Quốc, trong khi vẫn có quan hệ tương đối hữu hảo với Mỹ và Liên minh châu Âu bất chấp những khác biệt về pháp quyền và dân chủ.

Nhưng với những gì đã diễn ra, có lẽ cán cân quyền lực này đã thay đổi. Chính quyền của ông Tokayev sẽ phải dựa vào Nga nhiều hơn để củng cố quyền lực. Trung Quốc sẽ cố gắng giữ Kazakhstan trong vòng lợi ích kinh tế và an ninh phía tây của họ. Trong khi đó, tiếng nói của Mỹ và EU với chính quyền Kazakhstan có lẽ sẽ khó còn được như trước.

Tạm thời tình hình Kazakhstan đã yên ắng trở lại và lực lượng của CSTO bắt đầu rút đi. Nhưng trong sự quan tâm của các nước lớn và khi những mâu thuẫn chính trị nội bộ không thể dàn xếp ổn thỏa dẫn tới sự can dự từ bên ngoài, xem ra tình hình Kazakhstan có lẽ chỉ là phút tạm yên trước khi có những dông bão mới.

Kazakhstan đã tạm ổn định

Ngày 11-1, Tổng thống Tokayev cho biết các binh sĩ do CSTO điều động sẽ bắt đầu rút khỏi Kazakhstan từ ngày 13-1 và hoàn tất việc rút quân trong không quá 10 ngày sau khi giúp quốc gia Trung Á này ổn định trở lại.

Sân bay quốc tế Almaty (TP lớn nhất Kazakhstan) cũng sẽ hoạt động lại từ 13-1. Cùng ngày 11-1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ hoan nghênh tình hình Kazakhstan ổn định lại và lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, Mỹ kêu gọi Nga tuân thủ nhanh chóng yêu cầu của Kazakhstan về việc rút quân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói các binh sĩ sẽ chỉ rời đi khi tình hình "hoàn toàn ổn định".

Ngày 12-1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay vận tải Nga đã đưa 2.095 công dân Nga và nước ngoài từ Kazakhstan tới Nga.

BÌNH AN

Nga và các nước sắp rút quân khỏi KazakhstanNga và các nước sắp rút quân khỏi Kazakhstan

TTO - Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thông báo lực lượng quân sự do Nga dẫn dắt sẽ rút khỏi nước này vào ngày 13-1 và chia thành nhiều đợt; "hoàn thành xuất sắc" nhiệm vụ tại Kazakhstan.

Xem thêm: mth.28375937031102202-mat-nauq-nol-coun-ueihn-coud-natshkazak-oas-iv/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao Kazakhstan được nhiều nước lớn 'quan tâm'?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools